Giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thu hút được nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu?

STNN – Tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp”, các chuyên gia đã “hiến kế” để có thể giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp được hạn chế rủi ro như trong thời gian qua.

Ngày 30/11/2022, tại TP.HCM, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã tổ chức chương trình Hội thảo với chủ đề “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp”. Theo đó, với chủ đề “nóng” và mang tính thời sự cao trong giai đoạn gần đây, chương trình đã có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chương trình cũng có sự tham gia và đóng góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành như: Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế; Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh – chuyên gia Tài chính Ngân hàng; Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA); Ông Mã Thanh Danh – Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế (CIB)

Theo đánh giá của các chuyên gia, trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp và cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng “siết” chặt tín dụng bất động sản.

Các diễn giả, khách mời của Hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Cụ thể, theo báo cáo tổng quan thị trường trái phiếu tín dụng, giai đoạn 2016-2020, trái phiếu tín dụng Việt Nam đã tăng từ mức 4.300 tỷ đồng lên mức 10.300 tỷ đồng (tăng 2,4 lần). Trong năm 2020, tỷ lệ đóng góp vào GDP của trái phiếu tín dụng tại Việt Nam mới đạt 15,1%. Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành 234.000 tỷ đồng trái phiếu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Mặc dù các sai phạm, bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính “nhạy cảm” của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do đó, hơn lúc nào hết, đây là lúc mà niềm tin nhà đầu tư cần được “vá lành” để sớm đưa thị trường TPDN trở lại guồng quay vốn có của nó.

Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư đang rất hoang mang về thị trường TPDN nhiều rủi ro như thời gian vừa qua. Đồng thời, các giải pháp để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và phương án hoạt động dành cho doanh nghiệp khi ngân hàng siết tín dụng. Tính pháp lý và tính khả thi cho các trái chủ khi được doanh nghiệp đề nghị đổi trái phiếu thành cổ phiếu? Các chuyên gia cũng đã “hiến kế” và đóng góp các ý kiến của mình trước khi nhà đầu tư lấy lại được niềm tin từ TPDN. Trong đó, giải pháp chính để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay là nội tại cần thay đổi cấu trúc, tối ưu hóa mô hình kinh doanh sản xuất để tận dụng nguồn vốn.

Theo ông Mã Thanh Danh, doanh nghiệp cần vốn là để tăng trưởng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc, tối ưu hóa mô hình kinh doanh sản xuất để tận dụng nguồn vốn. Để hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Mã Thanh Danh cho rằng doanh nghiệp cần chứng minh năng lực sản xuất, mô hình kinh doanh hợp lí để thu hút đầu tư.

Trong giai đoạn 2020-2022, những công ty sản xuất kinh doanh dù ít huy động trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn vượt qua những đợt khủng hoảng vì dịch bệnh. Điều đó cho thấy, nguồn vốn chảy vào khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không nhiều. Vốn lưu động của các công ty sản xuất kinh doanh sẽ được nới rộng trong giai đoạn quý 01/2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực sản xuất, mô hình kinh doanh hợp lí để thu hút đầu tư.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh cũng cho biết, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, kéo dài thời gian thanh toán cho đối tác và rút ngắn thời gian cho vay với khách hàng. Mặt khác, hiện nay vấn đề room tín dụng đến từ bất động sản. Ngoài nguồn vốn rót cho các doanh nghiệp bất động sản, các công ty sản xuất cũng dùng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đi đầu tư bất động sản.

Nói về TPDN của các doanh nghiệp bất động sản, Tiến sĩ Linh cho rằng, các công ty bất động sản nếu muốn bàn bạc với nhà đầu tư để hợp tác kinh doanh thì cần minh bạch các dự án, các vấn đề pháp lý, quy mô và tiến độ các dự án. Đồng thời, nhà đầu tư quan tâm nếu hoán đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu thì định giá tài sản như thế nào, dựa trên cơ sở nào để định giá, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của trái chủ (bondholder).

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển chia sẻ, các công ty bất động sản muốn thông qua kênh trái phiếu để huy động vốn vì muốn vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì phải kèm theo nhiều điều kiện pháp lý khắt khe. Kênh trái phiếu có thể cung cấp vốn dài hạn khi các dự án chưa hoàn thành. Điểm quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là sự minh bạch, cơ chế dành cho việc hoán đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu chuyên nghiệp, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

“Đầu năm 2023, ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản như thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 1, ngân hàng có 14% room tín dụng mới. Trong đó, 6 nhóm doanh nghiệp ưu tiên cho vay vốn lưu động có nhóm ngành sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Nếu muốn ngân hàng cung cấp vốn lưu động thì doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh hợp lý”, Tiến sĩ Hiển nói thêm.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, cơ quan chức năng có thể tăng cường hỗ trợ pháp lý để giúp doanh nghiệp sản xuất thuận lợi, thu hồi vốn thanh toán cho trái chủ.

Trao đổi về thị trường trái phiếu và giải pháp cho nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, thị trường trái phiếu nói chung vẫn còn nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Những trái phiếu có tài sản đảm bảo thì tính an toàn vẫn cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tính cực điều phối như vụ việc SCB để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Cuối cùng, nếu nhà đầu tư cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo thì có thể tố cáo đến cơ quan công an để được thụ lý hồ sơ.

“Trái phiếu là giao dịch dân sự, nếu có vấn đề tranh chấp thì sẽ phải giải quyết thông qua tòa án dân sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể tăng cường hỗ trợ pháp lý để giúp doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thuận lợi, thu hồi vốn để thanh toán cho trái chủ” Luật sư Hưng cho biết.

Đức Quang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây