Giải quyết tình trạng cung vượt cầu để nông sản không còn cảnh "được mùa, mất giá"

Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng "được mùa, mất giá" liên tục xảy ra trong nông nghiệp...
Chiều 28/6/2021 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản.

Tình trạng được mùa mất giá liên tục xảy ra trong nông nghiệp.

Phát triển theo chiều sâu thay vì số lượng
Muốn giải quyết được tình trạng cung vượt cầu và ngược lại, để tiêu thụ nông sản ổn định và bền vững, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường đối với các nông sản là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Đối với sản xuất, phải tính toán được cung – cầu, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cần hạn chế lượng cung nhằm kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất để hỗ trợ giá cho nông sản như: Giảm bớt sản lượng, cho vay vốn canh tác và thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân không bị thiệt khi được mùa...
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu cạnh tranh ngày cao, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dẫn đến áp lực buộc các tổ chức phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và theo chiều sâu, thay vì số lượng nhằm tạo ra và cung cấp giá trị ngày càng lớn hơn.
Những lợi thế quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng là: Giảm thất thoát sản phẩm trong quá trình vận chuyển và bảo quản, tăng doanh số bán hàng, thông tin tốt hơn về dòng sản phẩm, thị trường và công nghệ, giúp theo dõi và truy tìm nguồn gốc sản phẩm cũng như kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm tốt hơn (khi áp dụng các tiêu chuẩn và GlobalGAP) và cuối cùng là đem lại sự hài lòng của khách hàng.
Trong quản lý chuỗi giá trị nông sản, cần phải quản lý cả 3 dòng chảy thị trường chính: sản phẩm, thông tin và tài chính một cách hiệu quả, mang lại kết quả tối ưu cho người nông dân, người bán buôn và khách hàng.
Vì vậy, cần phải có cơ quan điều phối và quản lý thực hiện thống nhất 3 lĩnh vực này, để đảm bảo nông sản được tiêu thụ đạt giá trị cao nhất, đem lại lợi nhuận bền vững cho nông dân, tránh được tình trạng được mùa mất giá và ngược lại là khi giá cao lại không có sản phẩm để bán.
Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản ra đời sẽ giúp xác định và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về quản lý và phát triển thị trường nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Gắn kế hoạch tiêu thụ với xúc tiến thương mại
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhiệm vụ chính của Ban Chỉ đạo là nắm chắc và đưa ra định hướng kế hoạch sản xuất các nông sản chủ lực gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại nông sản.
Ban Chỉ đạo cũng sẽ xây dựng chủ trương, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý những vấn đề về thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; biện pháp phòng vệ, tự vệ, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại; phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường; xúc tiến thương mại; quảng bá thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.
Theo phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, Ban Chỉ đạo thành lập 5 tổ công tác chuyên đề để xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và tham mưu về công tác phát triển thị trường nông sản theo từng lĩnh vực.
Một là, Tổ Thường trực Ban chỉ đạo sẽ nắm bắt kịp thời các vấn đề nảy sinh trong công tác điều hành hoạt động thị trường nông sản trong và ngoài nước để tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các giải pháp kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tiêu thụ nông sản và phát triển thị trường; phối hợp trao đổi thống nhất số liệu về sản xuất nông sản và thông tin thị trường; đồng thời nắm bắt và xử lý các đề xuất của các tổ chuyên đề.
Hai là, Tổ Tiếp cận, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Đại sứ quán Việt Nam, tham tán thương mại và tham tán nông nghiệp tại các nước để tham mưu các giải pháp mở cửa thị trường nông sản và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tháo gỡ rào cản mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản.
Ba là, Tổ Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và thị trường nông sản sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch sản xuất từng mùa vụ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực từng vùng miền, tổng hợp, báo cáo tình hình mùa vụ nông sản, tham mưu về công tác tổng hợp cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Đồng thời, xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản định kỳ hàng quý, năm hoặc đột xuất theo diễn biến thị trường; kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản đối với từng nhóm hàng nông sản. Tổ này cũng sẽ tổ chức kết nối với các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ, hợp tác xã nông nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Bốn là, Tổ Phân tích, dự báo, định hướng thị trường nông sản sẽ xây dựng hệ thống cơ dữ liệu, các báo cáo chuyên đề về phân tích, dự báo thị trường theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất tham mưu tổ chức các sự kiện, hội thảo liên quan đến định hướng phát triển sản xuất và thị trường các ngành hàng chủ lực.
Năm là, Tổ Thông tin, truyền thông thị trường nông sản có chức năng điều phối các hoạt động thông tin, truyền thông của ngành liên quan phát triển thị trường nông sản, đồng thời sẽ là cơ quan đầu phối tham mưu, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong định hướng truyền thông về phát triển thị trường nông sản.

(Nguồn: vneconomy.vn)