Sau thành công của Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 30 của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ngày 26/04/2022, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát SHB đã họp phiên đầu tiên, bầu chức danh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng thời, quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược mới của nhiệm kỳ mới với tinh thần đổi mới sâu sắc, đổi mới toàn diện trong mọi hoạt động quản trị, điều hành nhằm tạo ra sinh khí mới, động lực mới trên toàn hệ thống SHB.
Theo đó, HĐQT SHB đã thống nhất, quyết nghị bầu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT SHB nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Ngoài việc bầu vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới, tại phiên họp này, HĐQT SHB cũng thống nhất chức danh đối với các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, cụ thể: Ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Thái Quốc Minh - thành viên Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Văn Lê - thành viên Hội đồng Quản trị, ông Đỗ Quang Vinh - thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc; ông Đỗ Văn Sinh - thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.
Bên cạnh đó, Ban Kiểm soát SHB đã thống nhất cơ cấu, chức danh Ban Kiểm soát chuyên trách SHB nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Phạm Hòa Bình, Trưởng Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022 tiếp tục được Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới bầu giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát. Bà Lê Thanh Cẩm và ông Vũ Xuân Thủy Sơn là thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên, bầu Chủ tịch HĐQT, bầu và phân công chức danh các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, HĐQT SHB tại phiên họp đầu tiên đã thống nhất và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 30 thông qua.
Kế thừa thành quả quản trị, điều hành của HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2017-2022 và tiếp nối thành công ấn tượng trong hoạt động kinh doanh năm 2021, SHB quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược mới của nhiệm kỳ mới với tinh thần đổi mới sâu sắc, đổi mới toàn diện trong mọi hoạt động quản trị, điều hành nhằm tạo ra sinh khí mới, động lực mới trên toàn hệ thống SHB, phát huy cao độ tinh thần SHB, con người SHB.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.
Đối với các kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và đầu tư chiến lược nước ngoài, SHB sẽ nỗ lực thực hiện đúng lộ trình trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông, khách hàng, nhà đầu tư và lợi ích của SHB.
SHB tiếp tục hợp tác với các tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới BCG, IFC, IBM… nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện nâng cao hiệu quả kinh doanh, thông qua việc đổi mới mô hình kinh doanh có sự kết nối trong hoạt động của SHB với các sáng kiến chiến lược then chốt.
SHB cũng đồng thời thực hiện 4 trụ cột chiến lược của Ngân hàng, bao gồm: Cải cách thể chế, cơ chế; Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; Lấy khách hàng làm trọng tâm; Nền tảng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số.
Mọi hành động và quyết định của SHB đều được tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng.
SHB hiện đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, Top 100 Ngân hàng khu vực ASEAN, Top 500 Ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam... SHB vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (Lần thứ 2), Huân chương Lao động hạng Ba và rất nhiều cờ, Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, các Bộ, Ngành, Đoàn thể và các Giải thưởng cao quý khác. Kết thúc năm 2021, SHB có tổng tài sản đạt 506,6 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.114 tỷ đồng. SHB đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn, kiểm soát nợ xấu ở mức 1,69%. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ, hoàn thành 102% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Đặc biệt, SHB đã chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ HNX sang HOSE, tạo ra luồng gió mới đối với thị trường và các nhà đầu tư; thỏa thuận thoái 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri – Thái Lan trong vòng 3 năm, mang lại nguồn thặng dư rất đáng kể cho kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong năm. SHB cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi đã hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn. Với tôn chỉ Phụng sự từ Tâm và phương châm hoạt động “Đối tác tin cậy – Giải pháp phù hợp”, SHB hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam năm 2025. Tầm nhìn tới năm 2035, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực; trở thành ngân hàng đầu tư cung ứng nguồn vốn hiệu quả nhất cho những lĩnh vực trọng điểm của kinh tế Việt Nam./. |
Nguyễn Long