STNN - Mới đây, ngày 6/10, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Minh Ngọc - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên thường trú 19 tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên.
Cũng tại Hội nghị, Tạp chí điện tử Sinh thái nông nghiệp đã giới thiệu Công ty TNHH Dinh dưỡng HADALIFA tham gia đồng hành tài trợ tặng hàng trăm sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng OCOP 3 sao tới các đại biểu đến dự. Ông Hoàng Xuân Tuấn - Đại diện Công ty TNHH Dinh Dưỡng HADALIFA cùng dự hội nghị.
Hội nghị đánh giá, kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương.
Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ người làm báo đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác.
Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Với góc độ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc giám sát, xử lý các vi phạm Điều lệ hội, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý các sai phạm. Qua đó, đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí; ban hành và thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam
Luật Báo chí 2016 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 05/4/2016 trong đó Điều 8, giao cho Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”.
Thực hiện Điều 8 của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016, đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí. Từ Trung ương Hội đến các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc đã triển khai nhiều công việc theo đúng lộ trình của nhiệm vụ quan trọng này. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành HNBVN (khoá X), diễn ra ngày 15/12/2016, đã thông qua 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký quyết định ban hành và tổ chức thực hiện quy định này. Như vậy từ 01/01/2017, cùng với Luật Báo chí 2016 thì Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực; đến nay, đã phổ biến cho hơn 70 đơn vị tổ chức Hội. Chú trọng phân tích, thảo luận những điểm mới, những việc được làm và không được làm với cơ quan báo chí và người làm báo, những nội dung thường gặp trong tác nghiệp. Đặc biệt, những vấn đề nảy sinh trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo mà Luật không thể chế tài đầy đủ nhưng nếu hành xử là vi phạm đạo đức người làm báo. Mười điều quy định đó là những tiêu chí phổ quát nhất, cơ bản nhất, tương ứng với ý thức công dân, nền tảng đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
2. Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp hội địa phương
Cùng với việc Ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, để theo dõi, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-HNBVN thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Đến nay, trên toàn quốc có 260/301 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. Bên cạnh xử lý vi phạm, Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Trước kia, khi Hội đồng chưa thành lập, những trường hợp phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp (dù có đầy đủ giấy tờ và đúng quy trình) gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý thì nay với việc ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã tạo ra được bộ khung để Hội đồng có căn cứ xử lý những vi phạm và bảo vệ một cách hiệu quả quyền hành nghề hợp pháp của hội viên -nhà báo.
3. Xây dựng và ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam
Xuất phát từ tình hình thực tế với những diễn biến nhanh chóng trong việc sử dụng mạng xã hội thiếu chuẩn mực nghề nghiệp của hội viên, phóng viên, sau khi ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội trong đó có 4 điều quy định khuyến khích sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 7 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp.
Quy tắc bao gồm 03 Chương và 07 Điều quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể. Quy tắc này cũng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp đã tiến hành quán triệt, phổ biến Quy tắc này tới hội viên - nhà báo thuộc đơn vị mình. Các ý kiến của Hội đồng xử lý vi phạm đều được các cấp hội tiếp thu, ghi nhận và xử lý, nhận được sự đồng thuận cao của hội viên - nhà báo.
4. Thực hiện chức năng là cơ quan Thường trực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Kể từ khi có hiệu lực đến nay, đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm: Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
5. Công tác bảo vệ quyền hành nghề chính đáng, hợp pháp của nhà báo, hội viên
Hội Nhà báo Việt Nam luôn kịp thời bày tỏ ý kiến và kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo. Ban Kiểm tra đã trực tiếp gửi công văn can thiệp hơn 60 vụ, những vụ việc phức tạp tham mưu Lãnh đạo Hội ký Công văn hơn 40 vụ...
6. Tăng cường công tác, giám sát đối với các cấp Hội cơ sở
Nhằm phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam luôn chủ động, tích cực, hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức trách, góp phần nâng cao ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của người làm báo Việt Nam.
Trong 6 năm qua, Hội đã có hơn 100 cuộc giám sát các tổ chức Hội, kịp thời nắm bắt được tình hình chấp hành, thực hiện Điều lệ Hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các cấp hội, hội viên, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức Hội để lãnh đạo Hội có những chỉ đạo giải quyết kịp thời. Góp phần vào việc đẩy mạnh các hoạt động Hội nhà báo các cấp, giúp hội viên và các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp hoạt động theo Luật Báo chí và tôn chỉ mục đích của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
7. Về kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp
Để khắc phục, chấn chỉnh “báo hoá” tạp chí, trang thông tin, mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí giúp cơ quan chức năng, các báo, tổ chức, cá nhân... nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 302 ngày 27/9/2022 về việc thực hiện Kế hoạch 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay” được tuyên truyền, phổ biến rộng đến các cấp Hội.
Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp, tham gia ý kiến để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ, nêu ý kiến ở góc độ Hội vào quy trình xem xét, xử lý các trường hợp cơ quan báo chí, Nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí đến mức phải xử lý theo quy định của pháp luật...
Kết luận hội nghị, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao các kiến nghị tâm huyết của đại biểu. Đồng thời nhìn nhận: Việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hội viên là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, để xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo...
Nguyễn Long