Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030

STNN – Ngày 20/01/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 182/QĐ-TTg nhằm phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” (Đề án).

Hình minh họa.

Đề án hướng tới quan điểm phát huy, nâng cao vai trò Hội Nông dân Việt Nam (Hội Nông dân) tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thu hút, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp. Phát huy sức mạnh nội lực của nông dân trong xây dựng, phát triển KTTT trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của hội viên, nông dân. Phát triển tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho hội viên, nông dân, đẩy mạnh các phong trào nông dân phù hợp với Điều lệ của Hội Nông dân và quy định của pháp luật. Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách và một phần kinh phí để Hội Nông dân tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho hội viên nông dân là thành viên tổ chức KTTT trong nông nghiệp; tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, thu hút hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

Cụ thể đến năm 2025 tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 250 HTX, 1.500 THT trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; Thu hút thêm 5% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp; Hỗ trợ ít nhất 10% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp; Có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Đến năm, 2030 tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 750 HTX, 4.000 THT trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho 1.500 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Thu hút thêm 10% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp; Hỗ trợ ít nhất 15% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp; Có ít nhất 45% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 30% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 90% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Đề án được thực hiện trên phạm vi địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. THT, HTX trong nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; người quản lý, điều hành và các thành viên, hội viên nông dân tham gia THT, HTX trong nông nghiệp; Hội viên, nông dân có nhu cầu tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; Các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Cán bộ Hội Nông dân các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đề án nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ; Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân.

Hoàng Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây