
Sự kiện do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trưng bày mở cửa từ 23/4 đến 10/8/2025.
Dự lễ khai mạc có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; ngài Anders Johnson, nguyên Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)…
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh, cách đây tròn 50 năm, vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Trưng bày gồm ba phần:
Phần I: Khát vọng hòa bình
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Theo tinh thần Hiệp định, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc và sẽ thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, với âm mưu hất cẳng Pháp để xâm chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định, từng bước leo thang xâm lược Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết không thỏa hiệp, quyết tâm đấu tranh để thống nhất đất nước, đạt được một nền hòa bình thật sự. Giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cả nước đã biến đau thương thành sức mạnh, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi quân sự, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ Hiệp định này, quân Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cuộc kháng chiến.
Phần II: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975”
Sau Hiệp định Paris, Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa vẫn ngoan cố, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết. Ngược lại, ta kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Đầu năm 1975, xác định thời cơ chiến lược đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”, quân và dân ta đã đập tan bộ máy ngụy quyền do Mỹ dựng lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cả dân tộc hân hoan trong niềm vui chiến thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, giang sơn thu về một mối.

Phần III: "Việt Nam- vươn tới những tầm cao”
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong 10 năm đầu sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém do sai lầm, chủ quan, tả khuynh duy ý chí, làm trái quy luật khách quan gây ra. Đầu những năm 1980, Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn, lòng tin của Nhân dân bị xói mòn. Đổi mới để vượt qua khủng hoảng và phát triển ổn định đã trở thành nhu cầu bức thiết của đất nước.
Đường lối Đổi mới được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đề ra đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có bước chuyển mình kỳ diệu. Sự chuyển đổi đã giải phóng lực lượng sản xuất, khơi dậy và phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành nghề - lĩnh vực, cơ hội làm giàu cho mỗi người Việt Nam, vì sự phồn vinh của đất nước.
Tham quan trưng bày, công chúng có cơ hội được tiếp cận nhiều tài liệu, hiện vật sinh động gắn với những câu chuyện cảm động như: bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ bằng máu của chính mình khi ông bị thương hai mắt trong trận đánh căn cứ Nước Trong ngày 28/4/1975; bức ảnh “Đoàn tụ ngày giải phóng” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long ghi lại giây phút xúc động người tử tù cách mạng Lê Văn Thức trở về từ Côn Đảo ôm chầm lấy mẹ tại căn cứ Rạch Dừa, Vũng Tàu, ngày 5/5/1975…
Đặc biệt, trong số đó, có những hiện vật gốc lần đầu tiên được giới thiệu, như: chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi - cán bộ công tác tại nhà in bí mật số 157 Nguyễn Trãi, Sài Gòn - sử dụng để vận chuyển các tài liệu quan trọng một cách an toàn qua các chốt kiểm tra gắt gao của địch; hay bộ quần áo comple của ông Bùi Văn Chiếu, chiến sĩ biệt động Sài Gòn mặc trong thời gian hoạt động cách mạng, tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là trận đánh Tổng nha Cảnh sát ngày 16/8/1965…