Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông chiếm vị trí quan trọng ở phía Tây Bắc của dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, là một mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái núi đá vôi, là khu vực đất thấp lớn còn lại duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, Đảng ủy, HĐND, UBND các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Pù Luông đã tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021.
Khu BTTN Pù Luông hiện nay được đánh giá là nơi có sự đa dạng cao về hệ động thực vật, Khu bảo tồn có 2 hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái núi đất trên đá Bazan, và được chia làm 5 kiểu rừng chính là rừng cây lá rộng đất thấp trên núi đá vôi, rừng cây lá rộng đất thấp trên đá phiến và đá cát, rừng cây lá rộng núi thấp trên núi đá vôi, rừng cây lá kim núi thấp trên đá vôi và rừng cây lá rộng núi thấp trên đá Bazan.
Ngay từ đầu năm 2021, Lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác trọng tâm của năm. Với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự phối hợp giữa các ban, ngành trên địa bàn và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, an ninh rừng cơ bản ổn định, hoạt động bảo tồn thiên nhiên có nhiều chuyển biến tích cực.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, trong năm 2021, tổ kiểm lâm cơ động và các trạm kiểm lâm trực thuộc đã xây dựng kế hoạch và tổ chức được 1.910 lượt tuần tra, kiểm tra an ninh rừng trên toàn bộ diện tích 40/40 tiểu khu, tập trung ưu tiên các khu vực trọng điểm về khai thác; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Vùng II, BQL Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, các xã Vạn Mai (huyện Mai Châu), Ngổ Luông (huyện Tân Lạc) và xã Tự Do (huyện Lạc Sơn) – tỉnh Hòa Bình tổ chức được 15 lượt tuần tra, kiểm tra an ninh rừng vùng giáp ranh. Kết quả kiểm tra, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng và xâm lấn rừng trái pháp luật.
Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống người dân vùng đệm gặp không ít khó khăn, người dân không có việc làm, không có thu nhập trở về địa phương nhiều hơn cũng gây áp lực lên công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, họp thôn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do hạn chế tập trung đông người.
Nhằm khắc phục những khó khăn đó, từ đầu năm 2021, BQL Khu BTTN Pù Luông đã chủ động xây dựng các biện pháp tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức các hộ nhận khoán trực 24/24 giờ tại rừng, tổ chức làm việc vào các ngày nghỉ trong tuần, làm ngoài giờ hành chính... Nhờ tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, BQL Khu BTTN Pù Luông đã khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đề ra.
Chia sẻ về định hướng nhiệm vụ năm 2022 của đơn vị, ông Lê Đình Phương – Giám đốc Khu BTTN Pù Luông cho biết: “Đơn vị sẽ tiếp tục đặt ra mục tiêu giữ vững an ninh rừng trên diện tích 16.999,81ha được giao quản lý. Hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép. Không để xảy ra cháy rừng. Tiếp tục thu hút, kêu gọi các chương trình dự án đầu tư trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng tại vùng đệm và vùng lõi của Khu bảo tồn”.
Trần Thành – Lại Giang