Kích hoạt các phương án cung ứng hàng hoá dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động lưu thông hàng hoá trên thị trường dần được phục hồi, cung ứng hàng hoá, nhất là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường cho người dân được cải thiện. Để chuẩn bị cho đợt cao điểm cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kế hoạch, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với tinh thần “đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hiện tại, các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.

Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư cơ bản đã được khống chế, nhu cầu của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm. Giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao và bên cạnh đó xăng dầu tăng giá tác động tới giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. Do đó, dự báo các yếu tố làm giảm giá tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội không còn tác động trong hai tháng còn lại của năm. Tất cả các yếu tố này làm cho chỉ số giá tiêu dùng của hai tháng cuối năm sẽ tăng khá cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021.

Bằng mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hoá, các mặt hàng thịt lợn, phân bón, xăng dầu cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10/2021 giảm là do nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm. Giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm cũng là những yếu tố tác động lên CPI tháng 10.

Có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm cao nhất với 1,28% do nguồn cung dồi dào. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26% chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm 4,67% hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá điện sinh hoạt giảm 0,99%, nước sinh hoạt giảm 2,46% do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động đối với các mẫu hàng cũ.

Cùng với đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. Dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,08% do giá xăng, dầu tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,25%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,22% do một số địa phương tăng học phí mầm non, học phí đại học mặc dù có một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% do nước giải khát có ga, rượu, bia và thuốc lá tăng khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội và chi phí vận chuyển tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13% do nhóm vải các loại tăng 0,48% và giày dép tăng 0,07%…

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020. Thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10/2021 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Thị trường hàng hoá các tỉnh phía Nam tiếp tục ổn định

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt các tỉnh phía Nam của Bộ Công Thương, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh thành phía Nam không có biến động, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm trong điều kiện phục hồi sản xuất, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại TP HCM: Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày hôm nay 29/10, đã có 130/234 chợ truyền thống (tăng 01 chợ so với ngày hôm trước) chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hiện còn Quận 7 và huyện Nhà Bè vẫn đang đóng cửa toàn bộ các chợ trên địa bàn. Tại nhiều chợ truyền thống khác, mặc dù chưa chính thức được hoạt động nhưng vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.014/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động trở lại từ ngày 22/10/2021; các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa cho các hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 28/10 và sáng 29/10 tăng 2,5% so với hôm qua, ước đạt 5.771,9 tấn/ngày, trong đó: Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 28/10 ước đạt 1.330 tấn/ngày; Các doanh nghiệp Bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại); Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 29/10 tăng 10% so với ngày 27/10, ước đạt 1.935 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 774 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 1.161 tấn/ngày).

Tại tỉnh Long An: Tính đến ngày 28/10/2021, trên địa bàn tỉnh hiện có 80/125 chợ đã đi vào hoạt động (tăng 26 chợ so với ngày 23/10/2021), trong đó 06/15 địa phương đã mở lại chợ hoàn toàn; có 07 siêu thị (có 04 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 03 siêu thị điện máy); 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; cửa hàng tiện ích 214 Cửa hàng tiện ích (trong đó Bách Hóa Xanh 88, điện máy xanh + thế giới di động 77, San Hà 15, Vinmart+ 05, Con Cưng 20; salon ôtô 06, Co.op Food 03) đang hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có giảm, tuy nhiên vẫn duy trì, góp phần làm cho thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa dồi dào, đảm bảo đủ cung cấp nhu cầu mua sắm của người dân. Thị trường chưa xảy ra diễn biến bất thường. Một số mặt hàng được các doanh nghiệp giảm giá, khuyến khích kích cầu, chia sẻ khó khăn của người dân.

Theo Moit.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây