Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

STNN - Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng" được phê duyệt và triển khai nhằm bảo vệ tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
z5955837784476-c2d82e9aa6361f55d787ee41d0e4f9c5-1729580463.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì Hội nghị.

Ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã chính thức phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm bảo vệ và phục hồi dinh dưỡng đối với tài nguyên đất, để đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và an toàn sinh thái. 

Mục tiêu của đề án nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề ánh này được đánh giá là một đề án toàn diện về nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tại Hội nghị triển khai Đề án được tổ chức vào ngày 18/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định: "Đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt của chúng ta. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn", đồng thời nhấn mạnh vai trò của Sở NN-PTNT và các cơ quan ở địa phương là rất quan trọng trong vấn đề sức khỏe đất. 

Thứ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, hoàn thiện các quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất trên cơ sở sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, quy trình duy trì, bảo vệ, cải tạo và nâng cao độ phì của đất; Đồng thời xây dựng kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất, trồng trọt phát triển bền vững...

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện đề án cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh chung chung; đồng thời phải có sự phối hợp với các đơn vị cục, viện nghiên cứu… trong quá trình triển khai. Các đơn vị tham gia thực hiện đề án cần có kế hoạch cụ thể, tránh sự chung chung, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các cục, viện nghiên cứu trong quá trình triển khai.

KC