Nói về diện tích, sản lượng thì huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) không phải là địa phương nhiều cây quế nhất, nhưng trên phương diện giá trị thì sản phẩm quế lại dẫn đầu toàn tỉnh. Có được điều đó là nhờ việc liên kết sản xuất và canh tác hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Gia đình chị Lý Thị Thiệu, thôn Cốc Đầm, xã Nậm Lúc có hơn 2 ha quế. Trước đây, gia đình chị và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, khoảng 4 năm nay, gia đình chị không phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó là phát dọn thủ công. Chị Lý Thị Thiệu bộc bạch: Sau khi được tuyên truyền, chúng tôi ý thức được tác hại của thuốc diệt cỏ nên không sử dụng nữa. Thay vào đó, nhà nào cũng tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế.
Thuật ngữ “canh tác hữu cơ” giờ đây đã trở thành quen thuộc với gia đình ông Phạm Quang Ly, thôn Nậm Lúc Hạ, xã Nậm Lúc, bởi từ lâu ông không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong quy trình chăm sóc quế. Toàn bộ 5 ha quế được gia đình ông chăm sóc theo hướng hữu cơ. Theo ông Ly, quế là cây có sức sống mạnh mẽ, kể cả đất cằn quế vẫn có thể phát triển, không nhất thiết phải bón phân hóa học. Tuy thời gian sinh trưởng của quế không bón phân hóa học có thể chậm hơn, nhưng chất lượng tinh dầu quế lại cao hơn. Đối với việc khai thác, ông Ly cũng đảm bảo sau khi bóc quế từ trên đồi về thì phải phơi trên dàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc trừ sâu. Theo ông Ly, việc sản xuất quế hữu cơ tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe, sản phẩm quế có giá bán ổn định và cao hơn so với quế sản xuất thông thường.
Xã Nậm Lúc có hơn 2.000 ha quế, đây là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương. Năm 2020, người dân trong xã thu từ quế hơn 24 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với năm 2019.
Tại Nậm Đét, xã đi đầu trong việc trồng quế hữu cơ với hơn 1.300 ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ (chiếm 70 diện tích quế toàn xã). Trồng quế hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, giúp nâng cao giá trị cây quế, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định và bảo vệ môi trường. Ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết: Xã tiếp tục tuyên truyền người dân thay đổi thói quen trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế vỏ quế. Cùng với đó, chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng với người dân xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Chị Lý Thị Kin, thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét cho biết: Gia đình tôi trồng quế đã mấy chục năm nay, nhưng mỗi khi vào vụ thu hoạch là gặp rất nhiều khó khăn, bởi toàn bộ sản phẩm đều do thương lái thu mua, giá cả bấp bênh và thường bị ép giá. Chúng tôi làm ra sản phẩm nhưng không có quyền định giá bán, cũng không phải do cơ chế thị trường quyết định mà đều do thương lái đặt ra. Từ khi tham gia liên kết với Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét và Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, ngoài việc áp dụng quy trình chăm sóc quế hữu cơ, thì sản phẩm sau khi thu hoạch được hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, giá cao hơn giá chung thị trường và rất ổn định. Ngoài ra, với mỗi lô hàng quế và sản phẩm từ quế xuất khẩu đi các nước châu Âu đạt hữu cơ thì công ty sẽ quay lại trả thưởng cho người sản xuất, qua đó tiếp thêm động lực cho người trồng quế chúng tôi.
Huyện Bắc Hà hiện có hơn 9.500 ha rừng trồng quế, doanh thu từ quế đạt hơn 300 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, huyện tiếp tục duy trì và phát triển vùng quế, nhất là mở rộng vùng quế hữu cơ. Hiện toàn huyện có 2.400 ha quế hữu cơ. Để đạt chuẩn quế hữu cơ, người dân phải trồng, chăm sóc hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học. Trong quá trình trồng và chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh và phân bón hóa học. Khi thu hoạch và sơ chế sản phẩm cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
Thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hướng người dân sản xuất nông nghiệp xanh. Cùng với đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương; thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Theo Mard.gov.vn