Lễ hội Chôl Chnăm Thmây – nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer

Chôl Chnăm Thmây là lễ hội đón năm mới của dân tộc Khmer miền Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức vào giữa tháng Tư dương lịch – khi mùa khô hạn kết thúc, mùa mưa nước bắt đầu, mở ra một mùa cày cấy, trồng trọt bội thu.

Thời xưa, ngày tổ chức lễ hội đầu năm của dân tộc Khmer gắn liền với quỹ đạo quay quanh Trái đất của Mặt trăng. Theo lịch Phật, ngày rằm tháng Kođất là ngày kết thúc chu kỳ Mặt trăng quay quanh Trái đất cho nên, ngày rằm tháng Mười âm lịch được chọn là ngày tổ chức lễ hội Chôl Chnăm Thmây. Song, do thời tiết Nam Bộ vào những tháng đầu năm khô hạn, không có nước cho người dân làm ăn, cày cấy vì vậy, những nhà tiên tri Hôra đã chọn sang ngày 13, 14, 15 tháng Tư dương lịch (thời điểm mùa mưa bắt đầu) làm ngày tổ chức lễ hội chào đón năm mới. Bởi vậy, lễ hội Chôl Chnăm Thmây còn có tên gọi khác là lễ hội chuyển mùa.

Là lễ hội lớn nhất trong năm, Chôl Chnăm Thmây được người dân chuẩn bị rất kĩ càng, chu đáo. Theo quan niệm chung của dân ta, năm mới là sự khởi đầu mới với những hy vọng tốt đẹp cho nên, mỗi dịp xuân về, các gia đình đều mua sắm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để gặp được nhiều may mắn, thuận lợi. Và dân tộc Khmer khi đón lễ Tết Chôl Chnăm Thmây cũng vậy. Họ sắm sửa những bộ quần áo mới, trang trí lại nhà cửa, sửa soạn lại chuồng trâu, chuồng bò gọn gàng, ngăn nắp. Bên cạnh đó, các gia đình cũng chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn: gạo nếp để làm bánh, rượu chè cùng nhiều các đồ ăn thức uống khác như rau, thịt, hoa quả, … phục vụ cho 3 ngày lễ.

Ngày Tết đầu tiên – Chôl Sangkran Thmây

Trong ngày này, các gia đình Khmer đều chuẩn bị nhang, nến, hương, hoa, đèn cày, hạt cốm và nhiều loại hoa quả để thực hiện nghi lễ cúng đón các vị thần linh và ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.

Lễ rước Đại lịch là hoạt động quan trọng nhất trong ngày đầu năm mới. Tượng thần Mara Prưm được đặt trịnh trọng trong khay sơn son thếp vàng và được đưa lên kiệu khiêng đi quanh chính điện 3 vòng. Ở một số chùa còn tổ chức dàn nhạc ngũ âm hoặc nhóm múa Chhay-dăm với người dẫn đầu mang mặt nạ, tay cầm gậy múa mở đường khi thực hiện nghi lễ này. Theo sau là vị Achar đầu đội lễ vật, phía sau có người cầm lọng che cho. Cuối cùng là đoàn người tay cầm nhang, đèn đốt sẵn. Lễ rước Đại lịch có ý nghĩa tương tự như lễ đón Giao thừa trong Tết Nguyên đán của người Việt: mang đi những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm hy vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới.

Ngày Tết thứ hai – Wonbof

Lễ dâng cơm và lễ đắp núi cát là hai hoạt động chính được tổ chức trong ngày Tết Wonbof. Trong ngày này, lễ dâng cơm được diễn ra vào buổi sáng, người dân mang cơm lên chùa, dâng cho các sư các sãi để nhà chùa làm lễ, rồi ngồi nghe tụng kinh niệm Phật. Còn buổi chiều, người dân đắp núi cát cầu mong Đức Phật ban phước lành và cầu mưa tới cho mùa màng bội thu.

Ngày Tết cuối cùng – Lơng Săk

Vào ngày lễ cuối cùng, người dân Khmer đi chùa để tham dự lễ tắm tượng Phật và lễ cầu siêu.

Lễ tắm tượng Phật thường được tổ chức vào buổi chiều. Tượng Phật được đặt trong chậu lớn đựng nước tinh khiết ướp hoa. Các Achar đọc kinh còn các vị sư sãi dùng nước hoa thơm tắm cho tượng Phật. Người dân sau khi đi lễ chùa về sẽ làm lễ tắm cho tượng Phật trong gia đình. Nghi lễ này vừa thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Đức Phật đồng thời vừa là nghi lễ rửa sạch điều không may của năm cũ và đón điều may mắn trong năm mới.

Khi lễ tắm tượng Phật kết thúc, người dân cùng các Achar và các vị sư sãi ở chùa tập trung quanh tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho các linh hồn được siêu thoát. Người dân đặt lễ vật trên chiếu trước tháp, thắp hương và nghe các sư tụng kinh. Đây là nghi lễ cuối cùng, kết thúc lễ hội Chôl Chnăm Thmây của người Khmer.

Ngoài phần lễ mang đậm dấu ấn tôn giáo, lễ hội Chôl Chnăm Thmây còn có nhiều hoạt động, trò chơi dân gian hấp dẫn và thú vị như múa hát, nhảy bao bố, kéo co hay bịt mắt đập niêu,…  được tổ chức.

Tuyết Nhung (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây