Liên hiệp Hội Việt Nam đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường bền vững

STNN - Ngày 30/6, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã diễn ra hội thảo “Đóng góp ý kiến đối với nội dung Bảo vệ môi trường trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về môi trường: biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nước và đất, suy thoái tài nguyên thiên nhiên... Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các tổ chức xã hội quan tâm đến lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững.

vusta-1-1751519263.jpg
Hội thảo do Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế LHHVN Lê Công Lương chủ trì

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc đưa nội dung bảo vệ môi trường vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV không chỉ là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển quốc gia.

Liên hiệp Hội Việt Nam, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, có trách nhiệm đóng góp những ý kiến xác đáng, khách quan và khoa học vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường - một vấn đề đang trở nên cấp bách, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.

vusta-2-1751519263.jpg
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Mở đầu phần thảo luận, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Công Lương đã trình bày tham luận với chủ đề: “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị và Liên hiệp Hội Việt Nam trong bảo vệ môi trường.” Theo ông Lê Công Lương, để bảo vệ môi trường hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Liên hiệp Hội Việt Nam, với mạng lưới hơn 140 hội ngành toàn quốc và hàng chục liên hiệp hội cấp tỉnh, đóng vai trò là cầu nối giữa trí thức khoa học và các nhà hoạch định chính sách.

Ông Lê Công Lương đề xuất rằng Dự thảo Văn kiện nên nhấn mạnh hơn vai trò tư vấn, phản biện và giám sát của các tổ chức khoa học - kỹ thuật đối với chính sách môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực, cơ chế phối hợp và chính sách ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường.

vusta-3-1751519264.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo

Phân tích sâu sắc về vai trò của khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường, chuyên gia thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam Lưu Đức Hải đã chia sẻ rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến môi trường, và năng lượng tái tạo sẽ mở ra nhiều giải pháp đột phá cho các vấn đề môi trường hiện nay.

vusta-4-1751519264.jpg
Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam PGS.TS. Lưu Đức Hải chia sẻ tại hội thảo

Ông Lưu Đức Hải cũng nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở công nghệ, mà còn phải được thể hiện trong thể chế, cơ chế chính sách, mô hình quản trị môi trường và giáo dục cộng đồng. Do đó, cần có một chương trình quốc gia về khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường, gắn kết giữa nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và quản lý.

Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là vấn đề tài nguyên nước. Chuyên gia đến từ Hội Thủy lợi Việt Nam, Hoàng Thái Đại, đã trình bày báo cáo “Bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.” Theo ông Hoàng Thái Đại, nước là tài nguyên thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất và duy trì hệ sinh thái, nhưng đang chịu áp lực lớn do khai thác quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Thái Đại cho biết, khoảng 60% nguồn nước mặt của Việt Nam bắt nguồn từ các quốc gia khác, vì vậy việc đảm bảo an ninh nguồn nước phụ thuộc không nhỏ vào hợp tác quốc tế. Trong nước, hệ thống giám sát chất lượng nước còn hạn chế, công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên nước vẫn còn chồng chéo. Để giải quyết vấn đề này, ông kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý lưu vực sông, tăng cường đầu tư cho hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải, đồng thời đẩy mạnh truyền thông và giáo dục cộng đồng về sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

vusta-5-1751519264.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo

Từ các nội dung trao đổi, hội thảo đã thống nhất đề xuất một số kiến nghị chính gửi tới Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV: Khẳng định vai trò trung tâm của bảo vệ môi trường trong định hướng phát triển bền vững; Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý và xử lý các vấn đề môi trường; Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học - kỹ thuật như Liên hiệp Hội Việt Nam trong tư vấn, phản biện, giám sát chính sách và kết nối cộng đồng trí thức; Xây dựng thể chế, chính sách ưu tiên cho bảo vệ tài nguyên nước, không khí, đất và đa dạng sinh học, gắn với chiến lược kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; Đẩy mạnh giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là trong các trường học, doanh nghiệp và cơ quan hành chính.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo với tinh thần khoa học, cởi mở và trách nhiệm. Những ý kiến tâm huyết từ giới khoa học có chuyên môn sẽ được Ban tổ chức hội thảo tổng hợp và gửi tới cơ quan có thẩm quyền xem xét để hoàn thiện nội dung bảo vệ môi trường trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.