Lúa hữu cơ Quảng Trị: Một mô hình đa lợi ích

STNN - Trong những năm gần đây, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (viết tắt là Sepon Group) đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao. Trong số đó, ruộng lúa hữu cơ không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật tới sức khỏe con người.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Đông Xuân 2023 - 2024 của Sepon Group.

Mô hình trồng lúa bảo vệ môi trường sinh thái

Trao đổi với phóng viên, Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất lúa hữu cơ tại Quảng Trị) cho biết, để trồng được lúa hữu cơ cần nhiều điều kiện khắt khe từ chọn nguồn đất, nước, đến khâu gieo trồng chăm bón.

Để sản xuất được lúa hữu cơ, cần một quy trình khép kín, phức tạp, đó là một vòng tuần hoàn. Quy trình này kỳ công từ khâu chọn đất: phải chọn ruộng ở những nơi có đất tốt, lá lúa màu xanh đậm, nguồn nước sạch một chiều từ các hồ chứa lớn, khu vực trồng lúa hữu cơ phải cách biệt với các mô hình trồng lúa truyền thống bằng hàng rào vật lý, xa nguồn ô nhiễm, xa đường; các chỉ số về PH, độ phèn… phải đạt chuẩn. Đồng thời, phải tạo ra các vi sinh vật bản địa có lợi trong đất nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất, bón phân hữu cơ giúp cho hệ vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh. Đặc biệt, các ruộng lúa hữu cơ được phun thuốc bảo vệ thực vật từ các chế phẩm sinh học được tạo ra từ hỗn hợp gừng, tỏi, ớt, thuốc lào...

Cũng theo ông Hiếu, việc sử dụng chế phẩm sinh học để chăm bón, bảo vệ cây lúa vừa nâng cao năng suất, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất. Đặc biệt hơn, mô hình này còn giúp bảo vệ môi trường cũng như giúp bà con nông dân tránh những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.

“Sepon Quảng Trị là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo hình thức liên kết sản xuất; trong đó, tận dụng lợi thế người nông dân am hiểu về đồng ruộng, có ruộng đất, và có công chăm sóc. Công ty hỗ trợ giống, phân bón, dùng máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật từ chế phẩm dược liệu sinh học, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật và làm thương mại, bao tiêu đầu ra. Công ty cũng thu gom và mua rơm rạ từ người nông dân để vừa giúp người dân có thêm thu nhập vừa bớt công làm đồng. Mặt khác, người nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ sau khi gặt lúa, điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường không khí, việc đốt rơm rạ sẽ làm chết các sinh vật có lợi trong đất, làm cho đất bị thoái hoá, giảm dinh dưỡng đất” - ông Hiếu chia sẻ thêm.

Lúa hữu cơ mang lại thu nhập cao hơn lúa truyền thống

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, thời tiết vụ Đông Xuân 2023-2024 ấm hơn mọi năm, cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi và rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5 - 7 ngày so với lý lịch giống. Theo mặt bằng chung,  giá lúa tươi đầu mùa giao động từ 7.500 - 9.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.

Riêng đối với lúa hữu cơ, ông Hiếu cho biết, hiện nay ngoài việc hỗ trợ từ kỹ thuật gieo sạ đến cây giống, phân bón, đưa máy vào gieo cấy giống…, doanh nghiệp ông còn cam kết bao tiêu đầu ra và thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg.

Như vậy, khi người dân hợp tác với Sepon Group sẽ tối ưu được đáng kể về chi phí sản xuất, đồng thời còn được thu mua lúa với giá cao. Lợi ích mang lại từ triển khai mô hình này là không hề nhỏ so với các mô hình trồng lúa thông thường.

Ông Nguyễn Tấn Lễ trú tại thôn Định Xá (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) cho biết,  “Chúng tôi cũng thấy có hiệu quả bởi vì người dân chủ ở khâu làm đất, công ty thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg. Việc thu mua lúa tươi tận nơi còn giúp giảm công phơi cho người dân”.

Ông Trần Cẩn - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, “Ngoài việc sản xuất lúa hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ liên kết này, thúc đẩy sản xuất lúa hữu cơ cũng như VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất”.

Nhiều cách làm hay trong sản xuất lúa hữu cơ

Những năm gần đây, tình hình chuột phá hoại mùa màng ở địa phương có chiều hướng phức tạp, có thời điểm chuột gây thiệt hại trên diện tích hàng trăm hecta, duy có mô hình trồng lúa hữu cơ dường như rất ít bị ảnh hưởng.

“Chuột bọ rất sợ phân gà, mà ruộng hữu cơ được chúng tôi bón bằng phân hữu cơ từ phân gà, do đó đã phòng tránh có hiệu quả nạn phá hoại của chuột đối với ruộng lúa”, ông Hiếu chia sẻ bí quyết.

Ngoài ra, kỹ sư Hiếu còn chia sẻ thêm về các phương pháp chăm bón, “nuôi lúa” độc lạ từ việc tạo ra các “thực phẩm chức năng” được tạo thành từ việc phối trộn hỗn hợp tỏi và bia tạo thành chế phẩm sinh học thảo mộc tỏi để phun cho lúa hữu cơ nhằm xua đuổi sâu bọ; pha trộn nhiều loại thảo mộc, đạm cá, chế phẩm sinh học từ xương động vật, vỏ trứng... tạo ra đạm tự nhiên dùng để phun cho lúa hữu cơ; pha trộn hỗn hợp trứng gà và sữa tươi để phun cho lúa…

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, sữa và trứng có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là axit amin, chất này cũng là chất đạm. Lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng. Ngoài ra, những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa.

Đoàn Thuận