Nông nghiệp tháng 8 tiếp tục phát triển ổn định

STNN - Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung vào thu hoạch lúa hè thu, gieo cấy, chăm sóc lúa vụ mùa và cây hàng năm khác. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chăn nuôi nhìn chung ổn định, đàn lợn và gia cầm tiếp tục phát triển.
nong-nghiep-thang-8-2024-1725592340.jpg

 

Trong bối cảnh thời tiết biến đổi và các yếu tố tác động như hạn hán và mưa lớn, ngành Nông nghiệp đã có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo năng suất và phát triển ổn định. Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy sự nỗ lực và linh hoạt của ngành trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức từ thiên nhiên và thị trường.

Nông nghiệp 

Lúa hè thu

Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay ước đạt 1.909,8 nghìn ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 173,9 nghìn ha, bằng 100,7%; các địa phương phía Nam đạt 1.735,9 nghìn ha, bằng 99,8%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.470,0 nghìn ha, bằng 99,7%. Tiến độ xuống giống lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu năm. Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước thu hoạch được 1.170,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 61,3% diện tích xuống giống và bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích thu hoạch ước đạt 968,0 nghìn ha, chiếm 65,9% diện tích xuống giống và bằng 98,7% cùng kỳ năm 2023.

Lúa mùa

Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước gieo cấy được 1.391,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 994,0 nghìn ha, bằng 99,5%; các địa phương phía Nam gieo cấy 397,2 nghìn ha, bằng 100,5%. Sản xuất lúa mùa tại các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trên diện rộng thời gian qua. Trước tình hình trên, các địa phương đã kịp thời chỉ đạo bơm tiêu úng cứu lúa, đồng thời chủ động khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ như tiến hành gieo cấy lại và dặm lúa, nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng. Hiện những diện tích lúa mùa không bị ảnh hưởng mưa lũ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng... xuất hiện rải rác trên các trà lúa gây hại nhẹ ở một số địa phương. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân tích cực phòng, trừ, không để lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất toàn vụ. 

Lúa thu đông

Sản xuất lúa thu đông năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp thời tiết thuận lợi, giá lúa ở mức ổn định nên bà con đẩy nhanh tiến độ. Tính đến ngày 20/8/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 489,1 nghìn ha, bằng 107,4% cùng kỳ năm trước. Lúa thu đông hiện đang phát triển tốt, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra năng lực của các công trình thủy lợi, xây dựng phương án bảo đảm vận hành an toàn và kịp thời phát hiện, xử lý các vị trí xung yếu, sạt lở trong mùa mưa lũ sắp tới.
Cây hằng năm

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao. Diện tích rau, đậu tăng nhẹ. Diện tích khoai lang tăng do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.

Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu giảm do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp, dẫn đến việc giảm số lượng đầu con. Tuy nhiên, đàn bò sữa vẫn phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và giá thịt lợn hơi tăng. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, quản lý tốt tình hình chăn nuôi tại địa phương.

Tính đến ngày 26/8/2024, cả nước không còn ổ dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng có ở 03 địa phương, dịch viêm da nổi cục ở 07 địa phương, bệnh dại ở 11 địa phương và dịch tả lợn châu Phi ở 29 địa phương chưa qua 21 ngày.

 

Lưu Hương