
Tuy nhiên, trong dự thảo (sửa đổi) có đề cập cấp thẻ nhà báo đang tạo nên dư luận trao đổi khi tạp chí khoa học bị loại khỏi danh sách được cấp thẻ. Nội dung này đặt ra nhiều câu hỏi về quan điểm đối với vai trò của báo chí khoa học trong hệ thống truyền thông quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại sao tạp chí khoa học bị loại?
Theo dự thảo, chỉ những người làm việc tại các cơ quan báo chí như báo in, báo điện tử, đài phát thanh - truyền hình mới được cấp thẻ nhà báo. Trong khi đó, các tạp chí khoa học, dù có chức năng phổ biến tri thức và phản ánh các vấn đề khoa học - công nghệ, lại không nằm trong diện được xem xét.
Điều đáng nói là dự thảo đang đánh đồng tất cả các tạp chí khoa học mà không đưa ra tiêu chí rõ ràng để giải thích lý do tạp chí khoa học nào được cấp thẻ, tạp chí khoa học nào bị loại bỏ khỏi danh sách cấp thẻ. Nếu lập luận rằng tạp chí khoa học chỉ công bố nghiên cứu thuần túy và không mang tính báo chí, thì điều đó chưa phản ánh đúng thực tiễn. Hiện nay, nhiều tạp chí khoa học không chỉ đăng tải nghiên cứu mà còn thực hiện nhiệm vụ truyền thông khoa học, phản biện chính sách và kết nối tri thức với công chúng.
Việc loại tạp chí khoa học ra khỏi diện được cấp thẻ, trong khi vẫn cấp thẻ cho nhà báo đang hoạt động tại các tạp chí thuộc lĩnh vực du lịch, kinh tế, văn hóa và tạp chí giải trí… đã đặt ra câu hỏi lớn. Phải chăng việc phổ biến tri thức khoa học - lĩnh vực then chốt của sự phát triển đất nước, lại không được coi là hoạt động báo chí?
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban cải cách Tư pháp Trung ương nhận định, cách tiếp cận như dự thảo sửa đổi Luật Báo chí còn chung chung, chưa thật sự bám sát với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay, khi mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã và đang đề cao vai trò của khoa học và công nghệ. Ông cho rằng người làm báo ở các tạp chí của bệnh viện, các cơ sở giáo dục đào tạo đại học là tạp chí khoa học đặc thù thì có thể chưa cần đến thẻ nhà báo, nhưng nhà báo đang công tác tại các tạp chí khoa học ứng dụng, có chức năng truyền thông về khoa học công nghệ cần được ưu tiên cấp thẻ để khẳng định đúng vai trò của truyền thông khoa học và công nghệ. “Nếu không có báo chí khoa học, công chúng sẽ khó tiếp cận với các tri thức chuyên sâu, và ngay cả các nhà hoạch định chính sách cũng thiếu đi một kênh tham khảo quan trọng,” PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nhấn mạnh.
Truyền thông khoa học - Xu hướng không thể đảo ngược
Ở các nước phát triển, truyền thông khoa học được xem là một trụ cột quan trọng trong hệ thống báo chí. Các tạp chí như Nature, Science, MIT Technology Review, National Geographic không chỉ công bố nghiên cứu mà còn có đội ngũ nhà báo khoa học chuyên nghiệp, thực hiện điều tra, phân tích, phản biện chính sách khoa học và công nghệ.
Tại Việt Nam, nhiều tạp chí khoa học và công nghệ mang tính xã hội cao cũng đã và đang làm nhiệm vụ tương tự và ngày càng khẳng định uy tín trong làng báo chí. Những tạp chí này không đơn thuần là nơi đăng tải nghiên cứu mà còn đóng vai trò kết nối khoa học với công chúng, giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng công nghệ và hỗ trợ nhà hoạch định chính sách trong việc ra quyết định. Việc loại tạp chí khoa học khỏi danh mục cơ quan báo chí đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo có thể làm suy yếu vai trò của truyền thông khoa học, trong khi đây là lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần phát triển để thúc đẩy nền kinh tế tri thức.
TS. Thân Quốc An Hạ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng việc loại bỏ tạp chí khoa học ra khỏi danh sách được cấp thẻ nhà báo là một bước lùi trong bối cảnh xã hội phát triển, khi vai trò của nhà báo khoa học ngày càng trở nên quan trọng. “Trong kỷ nguyên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, báo chí khoa học không chỉ là cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn mà còn góp phần định hướng chính sách, giúp doanh nghiệp và công chúng tiếp cận tri thức một cách chính xác và dễ hiểu. Nếu không có sự công nhận đúng mức, lĩnh vực này có thể bị suy giảm về chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái khoa học công nghệ trong nước,” ông nhấn mạnh.
Cần một cách tiếp cận công bằng và khoa học hơn
Thay vì loại bỏ tạp chí khoa học khỏi đối tượng được cấp thẻ, cần có một cách tiếp cận công bằng hơn, dựa trên vai trò thực tế của từng tạp chí khoa học đối với xã hội. Câu hỏi đặt ra là: Liệu quyết định này có thực sự phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí và khoa học trong kỷ nguyên tri thức? Nếu không có tạp chí khoa học ứng dụng - phổ biến kiến thức, công chúng sẽ tiếp cận tri thức khoa học bằng cách nào? Và liệu đây có phải là một quyết định cần được xem xét lại một cách thấu đáo?
Quy định này không chỉ ảnh hưởng đến đội ngũ làm báo khoa học mà còn tác động đến chất lượng truyền thông khoa học trong nước. Khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo, việc không công nhận vai trò của báo chí khoa học trong hệ thống truyền thông là một bước lùi. Không thể vịn vào lý do một số sai phạm đến từ các tạp chí khoa học mà dẫn tới tước bỏ việc cấp thẻ nhà báo cho người làm báo tại các tạp chí khoa học, nhất là các tạp chí khoa học ứng dụng, gắn nghiên cứu với thực tiễn, phổ biến kiến thức. Từ đó cần sửa nội dung khoản 1 Điều 29 trong nội dung dự thảo để tránh đánh đồng tất cả các tạp chí khoa học với nhau.
Báo chí khoa học không chỉ phục vụ riêng giới nghiên cứu mà còn đóng vai trò kết nối khoa học với công chúng, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Cần có một sự phân loại rõ ràng từ danh sách 323 tạp chí khoa học, đâu là tạp chí khoa học đặc thù, đâu là tạp chí khoa học ứng dụng lan toả tri thức và có vai trò trong truyền thông khoa học để từ đó xem xét, cân nhắc trong việc cấp thẻ nhà báo cho hoạt động của các tạp chí này, từ đó tạo nên luật báo chí phù hợp với xu thế phát triển hiện nay./.