STNN - Ngoài việc giúp lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm thì việc xác lập kỷ lục, công nhận Cây di sản gắn với các di tích sẽ giúp bảo tồn và phát huy tốt những giá trị hiện có của di tích, phát triển du lịch địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử - tâm linh.
Lục Yên - miền đất lịch sử
Nằm ở phía đông bắc tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên có nhiều dãy núi đá vôi và hang động, đây là nơi cư trú lý tưởng của người Việt cổ. Năm 1964, các chuyên gia khảo cổ Đức và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều hóa thạch của động vật sống giai đoạn Cánh Tân, đó là những chiếc răng của người vượn. Vào năm 1980, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm nhiều di tích thuộc nền văn hóa Sơn Vi, tại các di chỉ phát hiện nhiều công cụ bằng đá cuội. Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy rìu đồng, giáo đồng ở (Khau Xén, An Phú), mũi tên đồng ở (Hang São, Tân Lập) và tiêu biểu là trống đồng (Làng Vặc, Minh Xuân) phát hiện ngày 25/5/1978 tại gò làng Vặc đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Năm 1995, di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được khai quật. Theo đánh giá của Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Đây là quần thể di tích đặc biệt quý hiếm lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, từ thời nguyên thủy đến thời kỳ lịch sử phong kiến tự chủ. Nhiều hiện vật khai quật ở đây như ngói, đá chân cột, lá đề, đài sen, tượng đất nung, đồ gốm sứ đều có hình dạng và niên đại giống như hiện vật được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long…
Qua các tài liệu, chứng cứ lịch sử nêu trên, có thể khẳng định rằng cư dân người Việt đã tồn tại ở vùng đất này từ rất lâu đời.
Câu chuyện dân gian về “Cây thị tổ”
Hiện nay, tại huyện Lục Yên, Yên Bái đang tồn tại 02 cây thị cổ thụ: Một cây thuộc thôn Làng Sâng, xã Tân Lĩnh nằm trong quần thể di tích khảo cổ học Hắc Y; một cây thuộc địa phận thôn Cây Thị xã Liễu Đô. Gốc cây thị Làng Sâng có chu vi khoảng 9m, gốc cây thị Liễu Đô chu vi khoảng 7m. Xung quanh hai cây thị cổ thụ này là cả ngàn câu chuyện ly kỳ, linh thiêng.
Khi người viết bài tìm hiểu về lịch sử của hai cây thị này thì các cụ cao niên ở huyện Lục Yên đều không ai biết cây có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra đã thấy hai cây thị cổ thụ này. Có điều lạ là trước đây dù chưa có người quản lý nhưng hai cây thị cứ mặc nhiên tồn tại mà không ai dám chặt phá. Mỗi mùa quả chín, hương thị thơm tỏa ngát cả vùng, người làng chỉ dám nhặt quả rụng để thưởng thức…
Dân gian truyền rằng hai cây thị này là cặp đôi người trời đi ngựa tía được cử xuống để trấn giữ vùng đất này: một người trấn giữ cửa ngòi Biệc, một người trấn giữ cửa ngòi Đại Cại, hai cửa ngòi được ngăn cách nhau bởi ngọn núi Nặm Ngập (nước ngập)… Sau một đêm mưa to gió lớn, người ta thấy một ngọn núi giống như hình con ngựa nằm phủ phục được mọc lên ngay trước núi Nặm Ngập (nay gọi là núi Yên Ngựa thuộc xã Tân Lĩnh). Từ đó người ta không còn thấy ngựa tía đi về và hai cây thị mọc lên từ đó. Ngày nay, vào mỗi mùa thị chín, người dân lên đỉnh núi Nặm Ngập vẫn có thể cảm nhận thấy mùi hương thị chín phảng phất.
Cần bảo vệ và đưa hai cây thị cổ ở Lục Yên vào danh sách cây di sản và xác nhận kỷ lục cây thị lớn nhất Việt Nam
Hiện tại, hai cây thị vẫn đứng sừng sững bên tỉnh lộ và được nhiều người biết đến. Có rất nhiều người đến chụp ảnh, nhiều đại gia chơi cây cảnh từ Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh nghe tin cũng đã ghé thăm, có ý định mua và sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để sở hữu, nhưng hai cây thị này luôn được nhân dân bảo vệ nghiêm ngặt. Cây ở xã Tân Lĩnh đã được nhân dân xây tường bao và lập một miếu thờ gần gốc, có biển ghi “Cây thị 700 tuổi” còn cây thị ở xã Liễu Đô hiện tại vẫn chưa được xây tường bảo vệ.
Ông Mã Đình Hoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết: “Cây thị ở Tân Lĩnh có chu vi gốc khoảng 9m, hiện nay ở Việt Nam hiện chưa phát hiện cây thị nào phá kỷ lục này. Cây thị Liễu Đô nhỏ hơn, chu vi gốc khoảng 7m. Cả hai cây tuổi thọ ước tính khoảng trên 700 tuổi. Còn thực tế tuổi hai cây thị nhiều hay ít hơn thì chưa được các nhà khoa học kiểm chứng và đưa ra con số chính xác”.
Trao đổi với ông Phùng Trung Hải – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên về việc bảo vệ hai cây thị cổ, ông Hải cho biết: “Đây là hai cây thị cổ thụ quý hiếm, cây thị tại xã Tân Lĩnh hiện nằm trong quy hoạch quần thể Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001, thuộc diện “cấm vi phạm” đã được nhân dân xây tường bao và chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt; Cây thị thuộc xã Liễu Đô nằm trong quy hoạch khuôn viên đình Cây Thị xã Liễu Đô (đình, đền Cây Thị xã Liễu Đô được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2734/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh Yên Bái). Ngoài sự chăm sóc bảo vệ của người dân thì đây chính là hành lang pháp lý để bảo vệ hai cây thị cổ tại Lục Yên”.
Thay cho lời kết
Hai cây thị cổ ở Lục Yên, Yên Bái ước tính khoảng 700 năm tuổi hay có thể nhiều hơn nữa và có được xác lập kỷ lục cây thị lớn nhất Việt Nam hay không vẫn chờ các nhà khoa học tính toán, đưa ra con số chính xác. Nhân dân huyện Lục Yên rất mong UBND huyện Lục Yên và các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác định công nhận hai cây thị trên là Cây di sản Việt Nam, Cây thị lớn nhất Việt Nam. Bảo vệ cây di sản gắn liền với các di tích cũng chính là góp phần khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ các di sản văn hóa của cha ông.
Bài & ảnh: Lưu Đức Huấn