STNN - Marketing cùng công nghệ mới sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối, thu hút đối tác thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện đời sống.
Hiện nay, sản lượng nông lâm thủy sản của Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, sản lượng cao không tương đồng với giá trị gia tăng sản phẩm; người nông dân chưa được hưởng lợi nhiều từ công việc của mình, đồng thời, việc tiếp cận thị trường tiêu thụ cũng còn khó khăn. Marketing cùng công nghệ mới sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối, thu hút đối tác thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện đời sống.
Nông sản kết hợp dịch vụ ăn uống
Hãy nghĩ đến việc liên kết giữa các nhà hàng và trung tâm trải nghiệm nông sản như một cách hiệu quả để tạo ra trải nghiệm độc đáo, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Thay vì chỉ bán hàng, chúng ta có thể tận dụng các nhà hàng và trung tâm trải nghiệm như một kênh để tăng cường tương tác với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn sở hữu một trung tâm trải nghiệm nông sản và thỏa thuận hợp tác với một số nhà hàng lân cận. Khi khách hàng mua nông sản tại trung tâm trải nghiệm, họ sẽ nhận được một mức giảm giá hợp lý cho hóa đơn tại nhà hàng liên kết. Đồng thời, nhà hàng cũng sẽ được hưởng mức giảm giá khi mua nguyên liệu từ trung tâm trải nghiệm của bạn. Bằng cách cung cấp cho nhà hàng các nguyên liệu sạch và đặc trưng của địa phương, như: ngũ cốc, trái cây, rau củ, thịt và trứng gia cầm với chiết khấu hấp dẫn bạn không chỉ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà hàng mà còn khuyến khích sự tiêu dùng của khách hàng và tạo sợi dây liên kết với khách hàng.
Nông sản và “webcast”
Ngày nay, người ta không còn lạ lẫm với những buổi bán hàng trực tuyến, và webcast - một thuật ngữ kết hợp giữa hai từ "web" và "broadcast" (phát sóng), được sử dụng để chỉ việc truyền tải nội dung âm thanh hoặc video qua Internet. Webcast cho phép người dùng xem và nghe các sự kiện trực tiếp hoặc ghi sẵn thông qua một trình duyệt web hoặc ứng dụng đa phương tiện trên các thiết bị kết nối Internet như máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng.
Việc bán nông sản thông qua phát/live stream trực tiếp trực tuyến rất phổ biến và có thể nói là một trong những phương thức bán hàng tốt hiện nay với những phiên bán hàng đạt doanh số “trong mơ”. Với cách bán hàng này, nông sản “đi thẳng” từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng mà bỏ qua các bước trung gian. Nhờ đó, sản phẩm của người nông dân tiếp cận được với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, và người tiêu dùng cũng có thể mua được sản phẩm từ chính cơ sở sản xuất với chi phí tiết kiệm nhất.
Để bán nông sản với webcast thành công, người bán hàng cần tìm hiểu cách lên sóng trực tiếp sao cho tạo ấn tượng, cách giới thiệu để nêu bật được các đặc điểm nổi trội của sản phẩm. Điểm bán (tại nơi sản xuất) + webcast (phát sóng trực tiếp) khiến người mua có niềm tin đối với nông sản được bán; giúp lan truyền chương trình khuyến mãi một cách nhanh nhất, rộng rãi nhất trong thế giới phẳng. Với kỹ năng quay video, chụp ảnh, người bán hàng dễ dàng giới thiệu tới người xem, những khách hàng tiềm năng của họ, từ việc gieo trồng, quá trình tăng trưởng, thu hoạch và chế biến nông sản. Người bán hiểu rõ, nêu bật được đặc điểm riêng có cũng như chất lượng vượt trội của nông sản, “đánh trúng” tâm lý người tiêu dùng là đã mở cánh cửa để bán nông sản và có thu nhập tốt.
Nông sản và thương mại điện tử
Ở mô hình này, các nền tảng thương mại điện tử trưng bày, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp để nhiều người hiểu và biết đến hơn, giúp người tiêu dùng đặt hàng, mua hàng trực tuyến dễ dàng hơn. Việc phát video trực tiếp về nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô-đun tùy chỉnh riêng,... được tích hợp khéo léo thông qua mô hình “mua sắm trực tuyến + nông sản + sản phẩm du lịch”, đưa người tiêu dùng trực tuyến đến cửa hàng thực tế và mọi giao dịch nông sản đều có thể thực hiện cũng như thanh toán dễ dàng, tiện lợi. Bên cạnh đó, các cửa hàng trải nghiệm ngoại tuyến cũng cung cấp dịch vụ trưng bày và giao hàng.
Khi kết hợp nông sản và thương mại điện tử, cần chú ý:
- Vấn đề về tiêu chuẩn hóa, nông sản không phải là sản phẩm “tiêu chuẩn” bởi mỗi loại nông sản có thể có những đặc điểm riêng, không đồng nhất về kích cỡ, hình dạng, màu sắc, chất lượng và độ chín. Điều này khiến nông sản đa dạng và không đồng nhất ở các vùng sản xuất. Tuy nhiên, khi kết hợp với thương mại điện tử, nông sản có thể được "khoác lên mình chiếc áo mới", như: quà tặng, hàng khô, sản phẩm chế biến, hoặc được đóng gói theo các tiêu chuẩn nhất định để đáp ứng nhu cầu thị trường... giúp tăng khả năng tiếp cận của nông sản với người tiêu dùng và tạo thêm giá trị cho sản phẩm.
- Vấn đề tái cấu trúc thương hiệu: Thương mại điện tử cung cấp một nền tảng để trình bày và quảng bá nông sản theo cách sáng tạo và hấp dẫn. Các công nghệ như hình ảnh, video, mô phỏng 3D và trải nghiệm ảo cho phép người tiêu dùng thấy và trải nghiệm nông sản một cách trực quan và hấp dẫn hơn trên môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp từ nông sản cũng là một cách để tạo ra giá trị gia tăng. Ví dụ, nông sản có thể được chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao như thực phẩm chế biến, mỹ phẩm tự nhiên, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thảo dược, và nhiều hơn nữa. Qua việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp từ nông sản, người bán có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo.
Nông sản + huy động vốn từ cộng đồng
Đây là một phương thức bán hàng được thế hệ "nông dân mới" sử dụng, họ thông qua các nền tảng cộng đồng để bán sản phẩm. Mô hình này không chỉ hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề bán hàng mà còn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Trong mô hình Nông sản + huy động vốn từ cộng đồng, nông dân hoặc nhà sản xuất nông nghiệp có thể sử dụng các nền tảng như các trang web đầu tư cộng đồng hoặc mạng xã hội để kêu gọi công chúng đóng góp vốn nhằm hỗ trợ việc bán hàng (việc huy động vốn phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật). Họ có thể tặng những phần quà cho người ủng hộ để tăng tương tác, như phiếu giảm giá, mẫu nông sản hoặc trải nghiệm đặc biệt.
Mô hình này có thể giúp nông dân giải quyết vấn đề hàng nông sản tồn kho. Các kênh bán hàng truyền thống có thể không đáp ứng được thị trường quá rộng lớn nhưng thông qua các nền tảng đầu tư cộng đồng, nông dân có thể trực tiếp liên lạc với người tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm và tăng doanh số bán hàng. Nông sản + Huy động vốn từ cộng đồng có thể giúp xây dựng một cộng đồng "fan" - những người quan tâm đến nông sản và sẵn lòng ủng hộ nông dân thông qua đầu tư cộng đồng, sự quan tâm và hỗ trợ này có thể “chuyển đổi” họ thành một nhóm người hâm mộ trung thành. Những người hâm mộ này không chỉ mua nông sản mà còn chia sẻ trải nghiệm mua hàng của họ trên mạng xã hội, giúp lan tỏa thương hiệu nông sản.
Nông sản kết hợp với kỹ thuật thị giác máy tính
Trong khuôn khổ bài viết này, khái niệm kỹ thuật thị giác chủ yếu đề cập đến việc dựa vào Internet, Internet vạn vật, điện toán đám mây và công nghệ video hiện đại để trình bày các mô hình, phương tiện và phương pháp của quá trình tăng trưởng, phát triển của cây trồng/vật nuôi cho công chúng, khiến công chúng tin tưởng và quyết định mua sản phẩm chất lượng cao.
Nhiều người tiêu dùng hoặc nhà đầu tư có thể sử dụng nền tảng công nghệ để quan sát và đặt hàng từ xa. Họ có thể xem kết quả thông qua nền tảng trực quan ở bất cứ đâu toàn bộ quy trình sản xuất và quản lý rau, trái cây, lợn, gia súc, cừu và các sản phẩm chăn nuôi khác mà họ đặt hàng.
Trong những năm gần đây, trên thế giới, nền tảng nông nghiệp trực quan đã kích hoạt thị trường nông thôn bằng cách chuyển đổi và nâng cấp nông nghiệp truyền thống, triển khai thương mại điện tử ở khu vực nông thôn, nâng cấp các cửa hàng để kết nối với dịch vụ ăn uống và phân phối đơn hàng sản xuất. Giải quyết hiệu quả kênh thị trường nông sản truyền thống, thiếu vốn và an toàn thực phẩm là ba vấn đề khó khăn lớn. Tuy mức đầu tư cho mô hình này tương đối lớn, song đây là xu hướng trong tương lai.
Hoàng Giáp