Nét đẹp truyền thống: Gói bánh chưng ngày Tết

STNN -Từ xưa đến nay, phong tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

gói bánh chưng
Lá dong dùng để gói bánh được vệ sinh sạch sẽ trước khi mang đi gói.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đã có không ít những truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói bánh chưng vào ngày lễ Tết. Đây là nét đẹp truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp Xuân về, khi mọi người trong nhà cùng nhau bên nồi bánh chưng đỏ lửa, thể hiện sự sum vầy đoàn tụ.

Dây lạt buộc bánh được chẻ thành những thanh mỏng từ cây giang.

Đã thành thông lệ, năm nào người người, nhà nhà ở xã Tân Hương, (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cũng cùng nhau tất bật chuẩn bị cẩn thận từng chiếc lá dong, khuôn gói bánh đến gạo nếp, đỗ xanh,… để gói thành những chiếc bánh chưng để bày lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Các khâu chuẩn bị để gói bánh chưng, như làm cho không khí Tết trở nên đầm ấm hơn.

Những nguyên liệu gói bánh chưng quen thuộc.

Các khâu chuẩn bị gói bánh được các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị, mọi người ai nấy đều phấn khởi nói cười, cùng nhau cắt lá, đặt khuôn, đổ gạo… Thời điểm những chiếc bánh chưng hoàn thành cũng là lúc, mọi người lại cùng nhau quây quần bên bếp lửa. Ai cũng háo hức chờ những cặp bánh vừa chín tới phả hương thơm lừng của Tết. Tất cả đều khiến những giờ phút cuối cùng của năm cũ trở nên đầy ý nghĩa.

Xem và tập gói bánh chưng là kỷ niệm đẹp của mỗi đứa trẻ.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, ở thôn Tân Nhân, xã Tân Hương (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Xã hội ngày càng phát triển, sự hiện đại đã dần khiến một số truyền thống tốt đẹp dịp Tết đến Xuân về bị mai một. Truyền thống gói bánh chưng xanh cũng thế, hiện nay, cùng với sự bộn bề của cuộc sống, thay vì cất công chuẩn bị các khâu gói bánh chưng, thì nhiều người lựa chọn việc mua sẵn để đỡ tốn thời gian. Thế nhưng, cũng không ít người dân vẫn muốn lưu giữ lại truyền thống gói bánh chưng ngày Tết để tạo không khí Tết cổ truyền cho gia đình, con cái. Đối với gia đình tôi, năm nào cũng cố gắng cùng nhau gói bánh chưng để ngày tết thêm ý nghĩa, ấm cúng”.

Các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng ngày Tết.

“Tôi nhớ Tết của những ngày khi đất nước còn khó khăn, bánh chưng là một món quà đặc biệt. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên hương vị của cái Tết xưa, hình ảnh các anh chị em ngồi quây quần bên bếp lửa thức suốt cả đêm để chờ mẹ luộc bánh chưng. Ngoài dăm ba chiếc bánh mẹ cố công dành dụm gói được để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ cha, mẹ còn gói cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ để được thưởng thức trước”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Muốn gói được những chiếc bánh đẹp cần sự khéo léo, tỉ mỉ.

Cũng có nơi, một số hộ gia đình thường rủ nhau nấu chung một nồi bánh. Mọi người cùng ngồi lại, phân công nhau từng việc, sau đó sẽ tập trung cùng làm ở nhà một người, rồi bánh chín thì chia ra mỗi nhà vài chiếc.

Những chiếc bánh vuông vức sau khi được hoàn thành sẽ được đem đi nấu từ 8 – 10 tiếng.

Cuộc sống ngày nay bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần gìn giữ. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh mãi là nét đẹp truyền thống văn hoá của dân tộc, hướng mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ về cội nguồn, về truyền thống nhân văn, tốt đẹp của dân tộc.

Hoàng Nghĩa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây