Trồng lúa... mà chỉ được rơm
“Giữa tháng 3 âm lịch, đi thăm đồng thấy lúa trổ đều, thời tiết thuận lợi, ai cũng hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu. Ai ngờ lại thành ra thế này!”, ông Đặng Văn Tu, xóm Tân Ninh, xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu), nghẹn ngào chia sẻ.

Gia đình ông Tu đầu tư gần 5 sào lúa giống Hà Xuyên 1425 - loại giống được quảng bá là mới, năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon và được khuyến khích mở rộng. Tin tưởng, ông đã “đặt cược” cả vụ Xuân vào giống lúa này.
“Ngày 15 tháng 3 âm lịch, ra đồng thăm lúa, thấy lúa trổ đều ai cũng mừng. Nhưng 20 ngày sau, thì thấy lúa không cúi đầu mà cứ đứng thẳng như bông lau; kiểm tra thì thấy gần như 100% lép, khô ruỗng. Chúng tôi đã gọi đại lý đến xem, nhưng đến giờ chưa ai trả lời rõ ràng”, ông Tu nói thêm.
Trước những thửa ruộng từng xanh tốt, giờ chỉ còn rơm khô, ông Tu đành gặt về làm thức ăn cho bò. “Biết làm sao hơn!” - ông xót xa.

Việc trồng lúa nhưng chỉ thu hoạch được rơm là một thực trạng đau lòng mà gia đình ông Đặng Văn Tu ở xóm Tân Ninh gặp phải.
Chị Nguyễn Thị Thu, cũng ở xóm Tân Ninh, không có gia súc để tận dụng rơm, đành phải thuê máy cày để phá bỏ 2 sào 10 lúa vì không thu được một hạt thóc nào. “Gia đình tôi sống nhờ vào mấy sào ruộng, giờ coi như mất trắng. Tôi phải cày lại để chuẩn bị cho vụ Hè Thu,” chị buồn bã chia sẻ.
Tình trạng lúa lép hạt không chỉ xảy ra tại Diễn Châu mà còn xảy ra ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn… Theo ước tính ban đầu, hàng trăm héc-ta lúa đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nhiều diện tích mất trắng hoàn toàn.
Giống lúa nằm ngoài cơ cấu mùa vụ
Ông Đàm Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, cho biết: “Giống lúa Hà Xuyên 1425 không nằm trong cơ cấu giống của xã. Người dân tự mua giống từ đại lý bên ngoài, vì vậy địa phương không kiểm soát được nguồn giống. Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo các xóm thống kê diện tích gieo trồng giống này và mức độ thiệt hại để lập báo cáo gửi lên cấp trên. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu đại lý và công ty cung ứng giống phối hợp làm rõ nguyên nhân”.

Ông Phan Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Diễn Châu, xác nhận rằng giống lúa Hà Xuyên 1425 không thuộc cơ cấu giống của huyện. Tuy nhiên, sau vụ Xuân 2024, một số hộ dân ở vùng giáp ranh với huyện Yên Thành đã trồng thử và đạt kết quả tốt, vì vậy vụ này, người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng, huyện đang phối hợp với các địa phương để thống kê thiệt hại nhằm có căn cứ xử lý.
UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các huyện khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại và báo cáo lên tỉnh để có hướng hỗ trợ kịp thời.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ riêng giống Hà Xuyên 1425 mà một số giống lúa khác như 404, ADI 73, Ngọc Nương 9… cũng ghi nhận tình trạng lép hạt, không cho thu hoạch. Câu hỏi đang được hàng trăm nông dân đặt ra là: "Vì sao hàng trăm héc-ta lúa lép hạt, mất trắng? Nguyên nhân do đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm: công ty cung ứng giống, đại lý phân phối hay cơ quan quản lý giống cây trồng?"
Trước thực trạng này, thiết nghĩ, cần phải có những biện pháp phù hợp và triệt để, để người nông dân không còn phải chịu cảnh: “Trồng lúa - mất công mất của mà chỉ được rơm”.