PV: Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2024 của tỉnh Nghệ An ước đạt trên 46.696 tỷ; tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 4,14%. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những thành tựu này?
Ông Phùng Thành Vinh: Ngay từ đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 18/QĐ-SNN.KHTC ngày 30/01/2024, cùng với đó bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 5239/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh, ngành đã có những nỗ lực và kết quả cụ thể:
Lĩnh vực trồng trọt: Năng suất, sản lượng luôn đạt, đặc biệt năm 2024, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 60,34 tạ/ha (riêng vụ xuân đạt tới 69,15 tạ/ha) cao nhất từ trước đến nay, 2024 là năm người nông dân được mùa, được giá.
Lĩnh vực chăn nuôi: Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 287/KH285 nghìn tấn, đạt 100,75% kế hoạch, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm trước; Tổng đàn gia cầm cả năm ước đạt trên 37 triệu con/KH34 triệu con, đạt 109,02% kế hoạch, tăng 7,00% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới: Nhiều thành tựu đáng ghi nhận, toàn tỉnh đã có 25/17 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 8 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết; 127/68 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 59 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng thứ ba cả nước. Toàn tỉnh hiện có 739 sản phẩm (SP) OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 01 SP đạt 5 sao, 02 SP có tiềm năng đạt 5 sao; 37 SP đạt 4 sao, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm.
Lĩnh vực lâm nghiệp: Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết; Chất lượng và giá trị rừng trồng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là diện tích rừng trồng sản xuất, với gần 25 nghìn ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Lĩnh vực lâm nghiệp cũng là lĩnh vực duy nhất của ngành được Quốc hội thông qua chính sách thí điểm bổ sung theo Nghị quyết 137, đây là điều kiện thuận lợi, cùng với những mục tiêu mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ cao trong chế biến lâm sản với sự hình thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), một trong những Khu lâm nghiệp CNC đầu tiên của cả nước, kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU; Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là một số bệnh dịch nguy hiểm như tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng… đều được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các nguy cơ gây thiệt hại cho người dân; Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 588/KH400 triệu USD, đạt 147%. Trong đó: dăm gỗ ước đạt 277 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 130 triệu USD, sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 73 triệu USD, gạo ước đạt 46 triệu USD, viên nén gỗ ước đạt 27 triệu USD, hoa quả chế biến và nước hoa quả ước đạt 23 triệu USD, nhóm nhựa thông và tinh dầu thông ước đạt 12 triệu USD...
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp Nghệ An có những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Phùng Thành Vinh: Cùng những kết quả khả quan đã đạt được trong năm 2024, ngành NN-PTNT Nghệ An cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như:
Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm 89,87% tổng diện tích toàn tỉnh; Lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng già hóa, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm, chưa quan tâm đầu tư kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất.
Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô đầu tư thấp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác tài chính, công nghệ...; Hoạt động liên kết sản xuất, chế biến với phân phối tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, chưa chặt chẽ, vẫn chủ yếu là các thương vụ mua bán, thiếu cơ chế hợp tác và chia sẻ.
Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả nông sản thường xuyên biến động, yêu cầu của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao trong khi nông nghiệp Nghệ An chưa phát triển mạnh về chế biến sâu. Đặc biệt, cảnh báo thẻ vàng IUU của EC đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Nghệ An.
PV: Để đạt mục tiêu năm 2025 và hoàn thành các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, thời gian tới, ngành có kế hoạch như thế nào, thưa ông?
Ông Phùng Thành Vinh: Với những kết quả nổi bật nêu trên, năm 2025 toàn ngành tiếp tục nỗ lực, đoàn kết và tập trung cao để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng thời, triển khai đồng bộ để thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Đặc biệt, để tạo tiền đề mạnh mẽ trước thềm đại hội Đảng các cấp, phát huy hiệu quả, tạo sức bật mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, ngành sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm:
1. Tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp phấn đấu năm 2025 đạt từ 4 - 4,5%/năm; Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đến năm 2025 đạt trên 45.700 tỷ đồng; Tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.
2. Tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái của tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC; tham mưu xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và nhu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới; Thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gia tăng giá trị của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường; Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
3. Tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh; Chiến lược phát triển nông nghiệp; Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông, chúc ông và ngành NN-PTNT Nghệ An đạt nhiều thành tựu trong năm mới!