Đứng dậy từ “vũng lầy bệnh tật”
Sinh ra và lớn lên ở Sơn La nhưng như sự đưa đẩy của số phận, Nguyễn Đức Lợi lập nghiệp và mưu sinh ở Điện Biên. Ít ai biết, phía sau thành công hôm nay, nhà văn Nguyễn Đức Lợi từng bị “bệnh tật bủa vây”. Anh vốn bị bệnh thiếu oxy lên não suốt nhiều năm liền. Nghiêm trọng nhất là năm 1999, anh bị tai biến do thiếu oxy não gây nên kéo theo những ngày tháng sống trong khổ sở. Vậy nhưng, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh khiến anh vượt lên mọi khó khăn.
Năm thứ hai sau cơn tai biến, mặc kệ các cơn co giật, mất ngủ dày vò, anh vẫn chăm chỉ học viết báo. Các bài viết nối nhau gửi đến các tờ báo; có tiền nhuận bút, anh mua 5 đàn ong mật về nuôi. Miệt mài làm lại sau thất bại, đã có lúc thành công mỉm cười với anh, anh gây dựng được 12 đàn ong giống chỉ trong 1 năm. Rồi hơn 300 đàn ong mật “ra đời”, mỗi năm cho thu hoạch 3-4 tấn mật. Nhưng, biến cố ập đến khiến trại ong của anh phá sản. Ngày ngày, anh tất tả chạy xe ôm; tối về, anh nấu rượu và viết văn kiếm thêm thu nhập, ấp ủ ngày dựng nghiệp trở lại. Quyết tâm làm giàu, anh giấu vợ mua chịu một quả đồi hoang, cần mẫn “kéo cày trả nợ” và trồng một đồi cà phê.
Mặt khác, “người nông dân đặc biệt” mua lợn rừng giống về nuôi. Anh kể, 2 năm đầu nuôi lợn, lợn chết liên tiếp vì bệnh, song anh không nản lòng, kiên trì làm lại. Nhưng số phận như trêu ngươi, giá cà phê lao dốc thảm hại, nhanh chóng đẩy anh Lợi thành con nợ gánh nợ oằn vai. Sầu não, lo lắng khiến bệnh tật tái phát, anh rơi vào stress cứ lầm lũi “giam mình” nơi núi rừng thâm u.
Có lẽ “trời không tuyệt đường sống”, năm 2012, anh Lợi tình cờ biết đến tảo Nhật. Sử dụng một thời gian, sức khỏe cải thiện nhiều, anh tìm tòi nghiên cứu về tảo xoắn. Để rồi anh đứng lên từ “vũng lầy bệnh tật”, cần mẫn phát triển kinh tế từ nghề nuôi trồng tảo xoắn vô cùng độc đáo.
Xây dựng mô hình kinh tế xanh khác lạ
Trở lại cơ duyên năm 2012, tình cờ anh Lợi được người quen tặng một ít tảo Spirulina (tảo xoắn Nhật Bản). Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe anh tốt lên mỗi ngày, điều này thôi thúc anh tìm hiểu về loại tảo quý. Thời gian này, anh dày công tìm kiếm nhưng không thu được nhiều thông tin về tảo.
Năm 2015, trong chuyến đi Thái Lan, anh biết được có loại tảo tươi, tốt hơn tảo bột và tảo viên nang và có thể nuôi được… Khi trở về Việt Nam, anh vùi đầu tìm tòi các tài liệu và phát hiện rằng tảo chỉ tanh khi phân hủy hoặc lẫn tạp chất. Trên thị trường đã xuất hiện những mô hình nuôi tảo hệ hở, không cho sản phẩm nguyên chất. Điều đó đã kích thích anh tìm kiếm lời giải cho phương thức nuôi tảo hệ kín. “Cả năm trôi qua trong nỗi thèm thuồng thông tin về tảo, tôi lao vào đọc và học. Không đơn giản. Ở Việt Nam người ta không bán giống tảo gốc, chỉ bán giống cấp 1, nuôi một lần. Cho nên, muốn sở hữu giống gốc, phải học phân lập tảo… Tôi chắt chiu tiền mua vé quay trở lại Thái Lan để học hỏi nhưng tới nơi mới vỡ lẽ: Đó là bí mật công nghệ, người ta không thể tiết lộ".
Không bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm kiếm thông tin và nghiên cứu quy trình phân lập tảo. Năm 2017, anh mua máy móc cùng các thiết bị thí nghiệm để thực hiện. Sau hơn một tháng miệt mài nghiên cứu, anh đã thành công thu được 10 ml tảo gốc sạch. Tiếp tục nghiên cứu, anh xây dựng được quy trình nuôi kín bằng cách sử dụng bể kính trong nhà kính, tránh sự xâm nhập của tảo dại và tảo độc. Anh phân tích rằng bể kính chống lại sự ăn mòn nước biển, ngăn chặn quy trình thải độc từ vật liệu nuôi vào tảo, khác với các bể xi măng hay thùng nhựa… Kết quả mang lại là sản phẩm tảo thuần chủng chất lượng cao, hàm lượng các dưỡng chất rất cao. Đặc biệt, sản phẩm không chứa hóa chất độc hại cũng như kim loại nặng, và hơn hết, không có tảo dại xâm lấn.
Ròng rã ba năm nghiên cứu, “nhà văn nông dân” Nguyễn Đức Lợi đã “khai sinh” thành công sản phẩm tảo xoắn không tanh Đức Lợi. Sản phẩm đã được cấp Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Thừa thắng xông lên”, anh vay mượn và huy động nguồn lực, xây dựng cơ sở trồng, chế xuất tảo xoắn không tanh; đồng thời thực hiện bảo hộ thương hiệu độc quyền. Nhờ phát triển kinh tế xanh bằng mô hình “khác lạ” – nuôi tảo xoắn hệ kín, anh Lợi đã gặt hái được nhiều thành tựu. Trong những năm qua, anh Lợi đã phát triển thành công đa dạng sản phẩm tảo xoắn.
Nuôi và chế xuất tảo thành công, nhà văn Nguyễn Đức Lợi lại đối mặt với bài toán “đầu ra” cho sản phẩm. Thời gian đầu, anh viết bài quảng bá trên mạng xã hội và lang thang các con phố phát tờ rơi để giới thiệu sản phẩm. Sau đó, anh thuê người phát tờ rơi ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Đồng thời, anh tham gia các hội chợ, hội thảo và các chương trình giao lưu, kỷ niệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (được mời hoặc anh chủ động xin được tham gia)… để được quảng bá giá trị của tảo… Khi có khách hàng và nguồn thu, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm mới: mặt nạ tảo xoắn chăm sóc sắc đẹp, kem tảo xoắn, caramen tảo xoắn, thạch tảo xoắn, sữa chua tảo xoắn, xà phòng tảo xoắn…
Cần mẫn phát triển và quảng bá các sản phẩm mới lạ, “nhà văn nông dân” đã gầy dựng được hệ thống phân phối sản phẩm rộng lớn, trải dài khắp ba miền Tổ quốc. Với chất lượng tốt, sản phẩm của anh đã chinh phục được đông đảo người tiêu dùng trong nước. Hàng tháng, cơ sở của anh cung cấp cho thị trường khoảng 500 kg tảo tươi và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương… Tự hào hơn, vào ngày 29/11/2024, Cơ sở Nghiên cứu - Lưu giữ giống – Nuôi trồng và chế biến tảo xoắn tươi Đức Lợi đã được vinh danh với giải thưởng “Top 10 Thương hiệu Vàng 2024”, chương trình do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thực hiện.