Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam qua nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp

Ngày “Tết Nguyên đán” ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tết Nguyên đán Việt Nam luôn là ngày tết cổ truyền đậm chất dân tộc Việt.

Trong bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam”, viết nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1963, Nhà sử học Trần Văn Giáp đã lý giải về nguồn gốc Tết ở nước ta.

Tết Nguyên đán của người Việt Nam được tính theo ngày âm lịch, là dịp đầu tiên của năm mới, là thời gian giao thời giữa năm mới và năm cũ, mở đầu một thời kỳ vận hành của đời đất, thiên nhiên và là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Tết Nguyên đán được viết, nói nhiều trong rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” của nhà sử học Trần Văn Giáp viết nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1963 đã lý giải về nguồn gốc Tết của Việt Nam, hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà sử học Trần Văn Giáp.

nguồn gốc Tết Nguyên đán
“Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” của Nhà sử học Trần Văn Giáp. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà sử học Trần Văn Giáp.

Đây là một tài liệu quý, nghiên cứu về Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng như về văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Nhâm Dần 2022, xin được giới thiệu khái quát nội dung bài nghiên cứu của Nhà sử học Trần Văn Giáp, như một góc nhìn, một kết quả nghiên cứu về một mùa lễ hội của dân tộc.

Tết Nguyên đán là gì?

“Tết” chúng ta thường hiểu gốc chữ Hán là chữ “tiết”, ở đây có nghĩa là “thời tiết” tức là “bát tiết” và “khí tiết”. “Bát tiết” theo chữ Hán là 8 ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, ấy là: Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cúng lễ vui vẻ, bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân... mà là những ngày Tết có cúng lễ, gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí. Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.

Hai chữ “Nguyên đán” là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. “Nguyên” nghĩa là đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Nguyên đán” là buổi sớm đầu năm…

Vậy Tết Nguyên đán ở Việt Nam có từ bao giờ?

Đó là một câu hỏi, một ý niệm thời gian về Tết nhưng không phải bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể trả lời và biết được. Có rất nhiều cách lý giải về thời điểm ra đời của Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Với truyền thống lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc một bề dày văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng dần hình thành.

Theo truyền thuyết và nguồn gốc lịch sử, những yếu tố văn hóa Tết Nguyên đán của người Việt xuất hiện khi nói về bánh chưng, bánh dày... từ nguồn lương thực chính từ gạo, và cũng chính là gắn với đặc trưng văn hóa của nền nông nghiệp trồng lúa nước.

Còn theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, Tết Nguyên đán ở Việt Nam có từ bao giờ, là một vấn đề “khá phức tạp”. Có nhiều cách chia thời gian thành từng tháng, từng năm. Từ khởi thủy, mỗi dân tộc có một lối riêng, cách chia tháng, chia năm khác nhau. Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, ngày “Tết Nguyên đán” ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ “Tết Nguyên đán” cũng được phổ biến từ thời đó.

Thực vậy, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tết Nguyên đán Việt Nam luôn là ngày tết cổ truyền đậm chất dân tộc Việt, là một hoạt động văn hóa, tinh thần mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Tết là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn viên, quây quần vui vẻ, cùng ôn lại một năm lao động, học tập, công tác, là thời khắc thiêng liêng để ước mong cho những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, là dịp để trao nhau những lời chúc tốt đẹp của những người trong cộng đồng, cơ quan, làng xóm, họ tộc… cũng là dịp để con người cảm nhận những thay đổi đặc biệt của thiên nhiên trời đất, vạn vật... Lễ tết là một hoạt động tinh thần ý nghĩa của người Việt với nhiều phong tục tập quán thú vị, không chỉ những ngày chuẩn bị đón tết, vui tết, ăn tết và chơi tết.

Hàng năm, tùy theo chu kỳ những ngày cuối tuần, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam được nghỉ Tết theo một khoảng thời gian nhất định và được hưởng lương.

Thiên Lý (nguồn: luutru.gov.vn)