STNN-Qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và các nguồn kinh phí được cấp khác tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An phát hiện nhiều vấn đề sai phạm. Do đó, Thanh tra tỉnh Nghệ An đề xuất thu hồi hơn 2,2 tỷ đồng.
Công tác giám sát, quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản còn chưa chặt chẽ
Nhìn chung, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An (Công ty) đã chấp hành khá tốt các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Các công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy được công năng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra trực tiếp 34 công trình với tổng mức đầu tư hơn 81 tỷ đồng đã phát hiện một số sai phạm còn tồn tại, cụ thể như:
Qua công tác kiểm tra nhận thấy việc giám sát của chủ đầu tư chưa sát sao, chặt chẽ dẫn đến một số công trình thi công chưa đúng thiết kế, dự toán và nghiệm thu chưa đúng số lượng, làm sai lệch trị giá thanh quyết toán của công trình với tổng số tiền hơn 807 triệu đồng.
Riêng công trình nạo vét kênh dẫn Lam Trà 2 – nhánh 1 đoạn K0+00-3+500, nhánh 2 đoạn K1+500-K4+975 công trình đã được Sở Tài chính phê duyệt và quyết toán ngày 02/7/2018. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về chi phí xây lắp, tuy nhiên do ngân sách nhà nước còn nợ công trình này rất lớn nên Thanh tra tỉnh đề nghị điều chỉnh quyết định phê duyệt quyết toán giảm giá trị hơn 54 triệu đồng.
Cùng đợt thanh tra này, Đoàn Thanh tra của tỉnh còn chỉ ra một số sai phạm khác liên quan đến đơn vị này như: Sai phạm trong quá trình xây mới nhà quản lý xí nghiệp Hưng Nguyên gồm: thi công sai bản vẽ tầng 1 nhưng không có hợp đồng bổ sung; không có thiết kế, dự toán điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị tư vấn giám sát, quản lý dự án và chủ đầu tư không có ý kiến, không lập biên bản đình chỉ nhưng vẫn ký biên bản nghiệm thu giai đoạn hoàn thành, biên bản nghiệm thu đi vào sử dụng và được chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán.
Tại hai dự án nạo vét, tận thu đất, cát bồi lắng ở lòng hồ Tràng Đen ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn và hồ Nghi Công ở xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc, về thủ tục pháp lý cả 2 dự án này không thống nhất được về quy trình thủ tục và áp dụng văn bản pháp luật. Theo quyết định được phê duyệt Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An làm chủ đầu tư, nguồn vốn được lấy từ bán đất, đá tận thu trong quá trình nạo vét và huy động một số vốn hợp pháp khác. Đơn vị này đã nộp hơn 1,6 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho hai dự án hồ Tràng Đen và hồ Nghi Công nhưng qua quá trình kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán thì không ghi nhận, theo dõi doanh thu và chi phí hoạt động nạo vét tận thu đất lòng hồ. Hợp đồng thi công cũng không ghi hình thức hợp đồng, không có đơn giá thực hiện trong hợp đồng cũng không nêu rõ giá trị hợp đồng là bao nhiêu.
Việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước: Công ty thỏa thuận, ủy quyền đơn vị thi công thực hiện. Kết quả thanh tra cho thấy đơn vị này không theo dõi cũng không kê khai thuế, tiềm ẩn nguy cơ làm thất thoát ngân sách nhà nước…
Sổ sách thu chi có vấn đề…
Công ty TNHH Thủy lợi Nam Nghệ An là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu, có vốn điều lệ. Hoạt động chính là quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhằm phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, cung cấp nước cho nhu cầu dân sinh và phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh và thị xã Cửa Lò. Công ty này quản lý, bảo vệ và khai thác 39 trạm tưới tiêu, 3 trạm đấu mối, gần 200 máy bơm lớn nhỏ các loại.
Trong công tác quản lý tài chính, Thanh tra tỉnh ghi nhận Công ty này đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ trên cơ sở văn bản nhà nước, tiêu chuẩn, định mức. Đã công khai sổ sách kế toán, báo cáo quyết toán tài chính, hằng năm đều thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo luật kiểm toán độc lập, nhưng qua công tác thanh tra phát hiện nhiều sai phạm và những vấn đề còn tồn tại. Chứng từ thu chi từ 2018 đến 2020 chỉ có chữ ký nhưng không rõ người lập, người phê duyệt và những người có liên quan, vấn đề thu hồi, tạm ứng tại Công ty của các cá nhân còn chậm, đến cuối năm 2020 còn dư tạm ứng trên 744 triệu đồng.
Thời điểm Đoàn Thanh tra làm việc với đơn vị nhận thấy việc lập dự toán và quyết toán kinh phí cấp bù Thủy lợi phí còn có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trước hết, hồ sơ vận hành mở nước tưới tại các trạm, các hồ như: sổ vận hành máy bơm, sổ thủy nông, sổ biên bản họp, sổ phân công nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch công ty giao từ năm 2016 đến 2020 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An đang nắm giữ để phục vụ điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn và tập hợp số liệu báo cáo vì vậy không có cơ sở để đối chiếu kiểm tra.
Khi kiểm tra quyết toán kinh phí tưới bằng động lực, thì phát hiện một số hợp đồng tưới, tiêu (vụ Đông) có lập hồ sơ nghiệm thu các đợt tưới nhưng một số trạm bơm không phát sinh tiền điện hoặc lượng điện tiêu thụ dưới 15kwh/tháng. Như vậy một số diện tích (vụ Đông) đơn vị này không tưới theo hợp đồng, điều đáng lưu ý hơn nữa số tiền mà Công ty này đã lập hồ sơ và được phê duyệt với nội dung trên là gần 2,4 tỷ đồng.
Để giải trình về vấn đề này, đại diện đơn vị này cho biết: Dù không thực hiện tưới nhưng công tiêu vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Trong thời gian người dân sản xuất vụ Đông, nếu thời tiết mưa to làm cho mực nước ở các đồng ruộng dâng cao so với quy định có thể dẫn đến ngập úng, khi đó các trạm bơm trong hệ thống phải thực hiện phương án là bơm tiêu nhằm thoát nước tránh ngập úng, đồng thời các cống đấu mối cũng phải vận hành mở cống bằng tời điện để tiêu nước. Cụ thể đối với vùng Nam Đàn phải vận hành đóng mở bằng tời điện tại cống Nam Đàn 1 và 2; vùng Hưng Nguyên vận hành tiêu qua kênh Hưng Tây;… Do đó, tại các trạm bơm tiêu có phát sinh tiền điện.
Căn cứ vào khoản 1, Điều 2, Quyết định số 83/2016/QĐ-UBND ngày 14/6/2016; Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về giá sản phẩm công ích thủy lợi: “...Trường hợp phải tách riêng giá dịch vụ cho tưới, tiêu trên cùng một diện tích thì giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho tưới được tính bằng 70%, cho tiêu bằng 30% giá quy định…”
Thanh tra tỉnh xác định truy thu số tiền 1.676.414.000/2.394.878.00 đồng tiền cấp bù thủy lợi phí đã được quyết toán tương ứng với 70% giá dịch vụ tưới tiêu vì đơn vị này không thực hiện tưới bằng động lực. Qua kiểm tra thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước Công ty kê khai thiếu thuế tài nguyên với số tiền phải truy thu hơn 167 triệu đồng (năm 2018 hơn 76 triệu đồng, năm 2019 gần 76 triệu đồng, năm 2020 gần 15 triệu đồng).
Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Nghệ An khẳng định: để xảy ra những tồn tại và sai phạm như trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc và các cá nhân có liên quan. Đồng thời, Thanh tra tỉnh cũng ban hành quyết định thu hồi số tiền sai phạm là 2.200.583.774 đồng.
Ngọc Linh