Lũ lụt, động đất, sóng thần,... Mỗi thảm họa tự nhiên diễn ra là một lần Mẹ Thiên nhiên gửi đến chúng ta một lời cảnh báo về hậu quả của việc phá hủy môi trường tự nhiên và Trái Đất nóng lên. Mỗi lần Mẹ Thiên nhiên giận dữ lại khiến cho hàng triệu người bị ảnh hưởng, hàng tỷ USD để sửa chữa thiệt hại.
Sóng thần ở Ấn Độ Dương (2004)
Thảm họa bắt nguồn từ một vụ động đất lớn có cường độ 9,1 độ richter ở vùng trung tâm ngoài khơi bờ biển hòn đảo của Indonesia.
Trận động đất được ghi nhận là lớn thứ 3 trong lịch sử, và là trận động đất kéo dài nhất
Mặt đất rung chuyển trong hơn 8 phút, thảm kịch Andaman-Sumatra này làm trái đất dịch chuyển tới 1 cm. Cơn sóng thần xuất hiện và gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Nó càn quét qua 14 quốc gia, giết chết gần 230 nghìn người và làm khoảng 1,7 triệu người phải dời nhà. Mực nước tăng trên các đại dương, sóng hung dữ vươn cao tới hơn 30 mét.
Động đất ở Haiti (2010)
Khi nhân loại mới bước sang được thập kỷ mới được vài ngày thì ở quốc đảo nhỏ bé Haiti cơn ác mộng lại bắt đầu. Ngày 12/1/2010, trận động đất mạnh 7 độ richter tấn công vào quốc đảo này. Tâm chấn của trận động đất chỉ cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 25km về phía tây, chấn tiêu ở độ sâu 13km. Trong nhiều tuần tiếp theo hàng loạt cách cuộc dư chấn đã xé nát quốc đảo bé nhỏ này.
Trận động đất dường như khiến cho quốc đảo này trở lại với nền văn minh ở thế kỷ 19. Gần như tất cả các công trình lớn: Dinh Tổng thống, Tòa nhà Quốc hội, nhà thờ lớn Port-au-Prince, nhà tù chính,... đều bị hư hỏng nặng nề. Bệnh viện, trường học, trung tâm y tế đều sụp đổ không thể hoạt động được. Suốt nhiều đêm sau trận động đất người dân Haiti phải chịu cảnh màn trời chiếu đất và nơm nớp lo sợ những dư chấn tiếp theo có thể ập đến.
Theo ước tính số người chết do trận động đất ở Haiti ở trong khoảng từ 250.000 đến 300.000 người, số người bị thương không đếm xuể. Ngoài ra, hơn 5 triệu người dân đã phải di dời. Trận động đất tại Haiti được coi như một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ và thương vong nhiều nhất trong lịch sử.
Thảm họa kép ở Nhật Bản (2011)
Ngày 11/3/2011 sẽ là một ngày không thể nào quên đối với người dân thế giới nói chung và người dân Nhật Bản nói riêng. Trận động đất mạnh 9.1 độ richter diễn ra làm rung chuyển cả vùng Tohuku, phía Đông của Nhật Bản. Trận động đất còn đi kèm với một trận sóng thần cao hơn 10m quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó khiến cho một con đập đã bị vỡ
Hậu quả để lại của thảm họa kép này vô cùng nặng nề. Chúng khiến nhiều con đường bị phát hủy nghiêm trọng. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu: điện, nước, Internet đều bị phá hủy nghiêm trọng. Hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu điện, nước và lương thực trầm trọng. Nghiêm trọng hơn trận động đất còn gây ra rò rỉ phóng xạ ra không khí tại hai nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và Fukushima II. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thì thảm họa tại hai nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và II có mức độ nghiêm trọng thứ hai chỉ sau thảm họa hạt nhận Chernobyl ở Liên Xô năm 1986. Hơn 10 năm kể từ khi thảm họa xảy ra nhưng những khu vực quanh nhà máy vẫn còn phát hiện những sinh vật bị nhiễm phóng xạ rất nặng.
Thảm họa kép động đất, sóng thần này khiến cho 15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương và 3.642 người mất tích cùng với nửa triệu người phải sơ tán. Chính phủ Nhật Bản đã phải chi ra 309 tỷ USD để giải quyết những thiệt hại mà thảm họa kép này mang lại.
Siêu bão Haiyan ở khu vực Châu Á (2013)
Siêu bão Haiyan (hay Hải Yến) đã tàn phá nhiều nước Châu Á và đặc biệt nhất phải kể đến là Philippines. Đầu tháng 11/2013 cơn bão nhiệt đới mang tên Haiyan với tốc độ gió duy trì tối đa trong 1 phút là 230km/h (theo đánh giá của JMA) và sức gió lên tới gần 315km/h đã tàn phá phần lớn khu vực Đông Nam Á. Philippines là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại về người ước tính 3.64 tỷ USD với hơn 6.000 người tử vong và hơn 28.000 người bị thương.
Ngoài ra, bão còn đổ bộ vào nhiều quốc gia khu vực Châu Á khác như: Việt Nam, Nhật bản, Trung Quốc, Đài Loan. Tổng thể bão Haiyan khiến cho hơn 3 triệu người phải di dời, 11 triệu người bị ảnh hưởng và hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Bão Haiyan được coi là cơn bão nhiệt đới lớn nhất đổ bộ vào đất liền.
Động đất ở Ecuador (2016)
Một buổi tối tháng 4/2016 một trận động đất 7,8 độ richter đã nghiền nát đất nước Ecuador, nhũng tòa nhà cao tầng bị đổ trong chớp mắt. Những công trình nhà cửa bị phá hủy gần như hoàn toàn. Các công trình phúc lợi xã hội điện, đường đều bị phá hủy nặng nề và gây khó khăn trong công cuộc cứu hộ sau này. Tổng thống Ecuador phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước. Trận động đất gây ra 55 dư chấn vào những ngày sau đó.
Trận động đất khiến 670 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, 58 người mất tích và hơn 26.000 người mất nhà cửa. Thiệt hại của trận động đất ước tính khoảng 3 tỷ USD và khiến quốc gia nhà gần như lâm vào khủng hoàng.
Cháy rừng ở Australia (2019-2020)
Những đám cháy rừng bắt đầu vào cuối năm 2019 và tàn phá bang New South Wales của Australia đến tháng 3 năm 2020. Con quái vật lửa đã thiêu rụi 10 triệu ha rừng của nước này và gây ra những thiệt hại kinh tế không thể ước tính. Cháy rừng cộng kèm thời tiết hanh khô khiến cho những nỗ lực chữa cháy dường như vô vọng. Chính phủ Australia đã ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Trận cháy rừng đã khiến cho cả người và sinh vật đều bị thiêu rụi. Theo ước tính đã có ít nhất 33 người thiệt mạng trực tiếp, 445 người bị chết ngạt. Đặc biệt đám cháy còn khiến 148 triệu động vật có vú, 51 triệu con ếch và 2,46 tỷ động vật bò sát bị thiêu rụi hoặc phải di rời môi trường sống trong đó có những loài vật đặc hữu của Australia như: Koala, kangaroo,... Đây được coi như vụ cháy rừng có quy mô và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại.
Những lần Mẹ Thiên nhiên nổi dậy lại đem lại những hậu quả khôn lường về người và của. Chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có những giải pháp ngăn chặn trước khi mọi thứ quá muộn.
Hoàng Sơn (t/h)