Ổi VietGap Hương Xuân – sự thành công của quá trình chuyển đổi cây trồng

STNN – Lợi ích đem lại từ trồng ổi cao gấp 4 lần so với trồng lúa hay trồng lạc. Dự án đưa giống ổi Hương Xuân về trồng tại thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần tạo thu nhập cho người dân.

"TS.

Lê Khắc Phúc, Giảng viên Khoa Nông học Trường ĐH Nông Lâm Huế hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ổi Vietgap cho bà con nông dân Hương Xuân.Trên những vùng đất bạc màu không còn thích hợp với trồng lúa thuộc phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), một dự án chuyển đổi cây trồng mang lại lợi ích kinh tế đã được thực hiện từ 2 năm nay. Đó là quá trình đưa giống ổi Hương Xuân về trồng tại địa phương, đem lại 3 tác dụng: phủ xanh vùng đất bạc màu; tạo giá trị kinh tế cao cho người trồng, xây dựng thành công sản phẩm OCOP.

Cách đây hơn 2 năm (giữa cuối năm 2020), không nhiều người nghĩ rằng vùng đất ruộng bạc màu, không còn thích hợp trồng lúa năng suất cao nơi đây lại có thể đem lại lợi ích lớn cho người dân địa phương. Chính quyền địa phương phường Hương Xuân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, và quyết định này đã đem lại hiệu quả lớn. Giống ổi Hương Xuân nổi tiếng trái to, ngọt thơm được đưa về đây trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Từ vài hecta ban đầu, nay vùng trồng ổi Hương Xuân đã tăng lên 35 hecta được trồng tại Trung Thôn, Liễu Nam, Xóm Tháp. Để giúp người dân chuyển đổi loại cây trồng, Đoàn phường Hương Xuân phối hợp với Hội Nông dân phường tổ chức tập huấn cho bà con nông dân phương thức trồng ổi hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGap.

Chị Nguyễn Thị Thịnh, Bí thư Đoàn phường Hương Xuân cho biết: “Quy trình trồng ổi VietGap ở đây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là một trong những điều kiện đầu tiên để giúp bảo vệ được đất đai, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trái ổi. Đồng thời, Đoàn phường cũng đã huy động lực lượng đoàn viên tham gia hướng dẫn bà con cách thức ghi chép nhật ký quy trình trồng ổi VietGap”.

Ngay sau khi được Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà phê duyệt, dự án trồng ổi VietGap do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị xã Hương Trà làm chủ đề tài đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ, kỹ sư thuộc trường Đại học Nông Lâm Huế (Đại học Huế). Những hướng dẫn chi tiết kỹ thuật và kịp thời của các giảng viên Khoa Nông học đã giúp người dân trồng ổi đi đúng hướng: tạo ra sản phẩm sạch, có giá trị cạnh tranh cao.

TS. Lê Khắc Phúc, Giảng viên Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Huế chia sẻ: “Qua thực hiện từ năm 2021 và 2022, dự án đã triển khai rất nhiều việc. Thứ nhất, khảo sát quy hoạch vùng trồng. Thứ hai, tiến hành thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật. Thứ ba, tập huấn cho bà con vận hành quy trình kỹ thuật. Thứ tư, xây dựng mô hình”. Tổ hợp tác sản xuất ổi Hương Xuân đã nhanh chóng được thành lập để bà con bắt tay nhanh vào chuyển đổi cây trồng theo hướng hữu cơ, bền vững. Lớp cỏ bên dưới vườn ổi được giữ lại nhằm bảo vệ cây ổi không bị côn trùng tấn công, đồng thời, tạo cân bằng sinh thái trong vườn ổi.

“Việc để cỏ phát triển sẽ trở thành một thảm thực vật che phủ đất, vừa chống xói mòn đất, vừa đảm bảo nhiệt độ đất; đồng thời, tạo nên nơi ẩn nấp cho các loài thiên địch có lợi cho cây ổi, nâng cao đa dạng sinh học trong vườn ổi. Chúng ta có thể tự tin đến thăm vườn, hái ổi ăn ngay tại vườn, đó là sự thành công của dự án. Các sản phẩm đưa ra thị trường có thêm mã truy xuất nguồn gốc. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, độ an toàn và bền vững cho môi trường và đặc biệt là nâng cao giá trị sản xuất ổi cho người dân” – TS. Lê Khắc Phúc chia sẻ thêm.

Ông Lê Văn Cường, tổ viên tổ Hợp tác sản xuất ổi VietGap Hương Xuân phấn khởi: “Lợi ích đem lại từ trồng ổi cao gấp 4 lần so với trồng lúa hay trồng lạc. Mỗi kilogam ổi bán tại vườn giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng, đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân chúng tôi, giúp chúng tôi từng bước ổn định cuộc sống”.

Ông Trần Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân cho biết: “Phủ xanh đất bạc màu bằng vườn cây ăn trái, xây dựng những vườn cây ăn trái theo mô hình nông sản sạch, mô hình ổi VietGap Hương Xuân đã làm thay đổi tư duy canh tác và thu nhập cho người dân theo hướng tốt hơn. Trên vùng trồng ổi Hương Xuân hôm nay, bài toán cải thiện kinh tế và bảo vệ môi trường đang được giải quyết song song, đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương”.

Ổi VietGap Hương Xuân từng bước khẳng định thương hiệu vươn ra thị trường mới.

Hiện nay, cây ổi VietGap Hương Xuân đang từng bước khẳng định được thương hiệu và tìm cách vươn ra thị trường lớn. Mới đây, đầu tháng 10/2022, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Nông dân thị xã Hương Trà đã giải ngân 300 triệu đồng vốn vay ưu đãi thực hiện dự án trồng ổi VietGap cho 10 hộ trồng để đầu tư, mở rộng mô hình sản xuất. Có nhãn hiệu hàng hóa rõ ràng, được công nhận sản phẩm VietGap và hỗ trợ vốn vay… những điều đó có ý nghĩa lớn trong việc phát triển chương trình OCOP của Hương Xuân nói riêng và Hương Trà nói chung, góp phần nâng cao giá trị của loại cây ăn quả, đưa ổi VietGap Hương Xuân trở thành một loại cây đặc sản của địa phương.

Xuân Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây