Từ taxi đến bất động sản “dị biệt”
Ông Đỗ Anh Dũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, khởi nghiệp kinh doanh từ năm 1993 tại TP.HCM. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến đầu năm 2000, ông lần lượt phát triển các lĩnh vực như taxi công cộng (thương hiệu V20), xuất khẩu mây tre đan (thương hiệu Ratex), khách sạn và dần chuyển hướng sang bất động sản cao cấp từ năm 2006.
Chuyển mình đầy táo bạo sang lĩnh vực bất động sản, nhưng không phải phân khúc chung cư giá rẻ, cũng không nhà phố đại trà, thứ ông chọn là "sự sang trọng tuyệt đối". Những tòa nhà mang tên “D’. Palais Louis”, “D’. Le Roi Soleil”, “D’. El Dorado” đều mang đậm dấu ấn châu Âu cổ điển và tân cổ điển, từ các chi tiết nội thất dát vàng đến sảnh đá cẩm thạch nhập khẩu.

Nhiều người gọi ông là kẻ “dị biệt” trong giới bất động sản. Và đúng là như vậy! Ông từng tuyên bố: “Tôi không xây nhà để bán, tôi xây nhà để lại cho đời.”
Tham vọng đó đưa ông lên đỉnh cao và cũng kéo ông vào “vực xoáy” pháp lý.
Đỉnh cao và lằn ranh pháp luật
Trên truyền thông, ông Dũng thường xuất hiện trong các lễ khởi công, ra mắt sản phẩm hoặc khi các dự án đoạt giải quốc tế. Ông không phải người hay phát ngôn; song mỗi lần xuất hiện, ông đều để lại dấu ấn về một doanh nhân đam mê cái đẹp đến mức cực đoan hoặc một chủ đầu tư dám đốt thời gian và tiền bạc để theo đuổi sự hoàn mỹ trong kiến trúc.
Với ông, một tòa nhà không chỉ là nơi ở, mà là một tác phẩm nghệ thuật, một công trình để đời. Với người khác, đó là sự tốn kém. Với ông, đó là lý tưởng.

Và rồi, biến cố xảy ra.
Tháng 3/2022, ông Dũng bị khởi tố trong vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu. Cú “ngã” này của ông khiến dư luận không khỏi bị “sốc”. Ông bị kết án 7 năm tù.
Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, ông không chống chế, không phủ nhận sai phạm, không trốn tránh trách nhiệm mà cùng gia đình chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Một lần ngã, một lần hiểu
Không phải ai từng bước lên đỉnh cao cũng đủ bình tĩnh và bản lĩnh để tiếp tục bước đi “như chưa từng có chuyện xảy ra”. Nhưng ông Dũng, có lẽ, đã quen với sự đơn độc từ lâu.
Ít ai biết ông là người sống khép kín, ưa tĩnh lặng và có lối sống gần như trái ngược với hào quang mà truyền thông từng gán cho. Ông không thích ồn ào. Các phát biểu công khai của ông hiếm hoi, ít màu mè và luôn toát lên vẻ trầm tĩnh của một người biết mình đang đứng ở đâu.
Khi được đặc xá dịp 30/4/2025, theo tinh thần Nghị quyết 68, ông không rút lui, cũng không quay lại bằng những phát ngôn cảm xúc. Ông xuất hiện điềm đạm, lặng lẽ bắt đầu lại bằng việc bàn về một dự án cụ thể với quy mô nằm ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người.
Quyền được sửa sai và lòng tự trọng của người kinh doanh

Sự trở lại của ông Dũng không đơn thuần là một “trường hợp đặc xá”. Nó chạm vào một nguyên tắc lớn hơn: Người từng sai, nếu dám chịu trách nhiệm, có nên được xã hội trao cơ hội sửa sai?
Nghị quyết 68 của Chính phủ khẳng định không “hình sự hóa” quan hệ kinh tế, khuyến khích khắc phục hậu quả, đã mở ra một cánh cửa mà trước đây rất hiếm người từng nghĩ tới. Và ông Dũng, bằng cách nộp lại hàng chục nghìn tỷ, xuất hiện chính danh, đi tiếp bằng hành động cụ thể đã bước qua cánh cửa ấy.
Không phải để lấy lại danh tiếng. Mà có thể, chỉ là để giữ lại lòng tự trọng, niềm tin - thứ tài sản vô hình mà một người làm ăn chân chính không bao giờ muốn đánh mất.
Ông Dũng không phải người hoàn hảo. Những dự án cầu kỳ, xa xỉ ông xây có thể gây áp lực, tạo gánh nặng về dòng tiền. Những quyết định tài chính trước kia là bài học cho chính ông và nhiều doanh nhân khác.
Nhưng nếu sau tất cả, một người như ông vẫn có thể bước ra, điềm đạm, không rầm rộ và lặng lẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đã định thì xã hội sẽ có một cái nhìn bình tĩnh hơn.
Bởi, đứng dậy chưa bao giờ là đặc quyền, mà là lựa chọn.
Một lát cắt – không lý tưởng, không bi kịch
Đừng lý tưởng hóa cú ngã của ông Dũng, cũng không cần bi kịch hóa con người này; ông là một lát cắt chân thực và đầy phức tạp của một thế hệ doanh nhân Việt Nam – những người vừa dấn thân, vừa dò dẫm trong vùng ranh giữa tham vọng và pháp lý.
Ông từng sai và phải trả giá.
Ông chọn cách chịu trách nhiệm; và xã hội, luật pháp đã phản hồi bằng một cơ hội.
Ông đứng dậy không ồn ào mà lặng lẽ, điềm đạm. Có lẽ, chính sự không ồn ào ấy mới là điều đáng để nhớ.