Ngày 26-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 và biến đổi khí hậu” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Vusta cho biết, trước thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua có tác động lớn đối với việc triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế nói chung, các ngành kinh tế biển nói riêng.
Vì vậy, hội thảo lần này tổ chức với mục đích tạo diễn đàn cho các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương của Vusta, các nhà khoa học trao đổi ý kiến về các vấn đề và giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trước tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) - nhận định, các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc dân, ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển của nước ta; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Theo đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, cùng với sự chuẩn bị và thúc đẩy một số lĩnh vực/ngành nghề kinh tế mới, triển vọng. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng biển và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất, cần thúc đẩy kinh tế biển xanh; có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; phát triển bền vững kinh tế biển dựa vào cơ sở khoa học, cộng đồng; thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Vusta khóa VII, khi xảy ra đại dịch Covid-19, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã dự báo giá trị gia tăng toàn cầu kinh tế biển sẽ gia tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030, đồng thời tạo thêm 40 triệu việc làm. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng của đại dương. Các hệ sinh thái biển là trung tâm của nhiều thách thức toàn cầu của thế giới. Việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh. Trong đó, khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi rất cần thiết của việc sử dụng ồ ạt sang thực hành bền vững hơn…
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, về chính sách phát triển nuôi biển bền vững cần giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn cho chủ đầu tư; Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nuôi biển bền vững; Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nuôi biển; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, logisstic; Chính sách đào tạo cho ngư dân nuôi biển; Chinh sách bảo hiểm nuôi biển công nghiệp; Chính sách giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển; Thống nhất quản lý Nhà nước về nuôi biển.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam đã cùng nhau tập trung thảo luận về các nội dung như: Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng nội lực khoa học và công nghệ biển Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam: Tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức và giải pháp; phát triển nuỗi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển.
Cũng tại hội thảo, nhiều nội dung cụ thể cũng đã được các đại biểu đưa ra để VUSTA tập hợp và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, đóng góp thiết thực vào việc tiếp tục triển khai và hiện thực hóa tinh thần của Chiến lược biển Trung ương đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác trong và ngoài hệ thống VUSTA trong thời gian tới.
Theo Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam