Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Vĩnh Phúc

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 13 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6 nghìn hộ chăn nuôi gà, hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 40%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.

Từ năm 2018 đến năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai dự án Khuyến nông Trung ương xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 24.000 con gà. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn chăn nuôi theo quy trình VietGAHP tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, nhờ được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh triệt để nên tỷ lệ sống cao, chi phí cho các loại thuốc cũng giảm từ đó nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã thực hiện triển khai dự án chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 3000 con và cấp 02 chứng nhận VietGAP cho các hộ tham gia mô hình. Kết quả mô hình cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt yêu cầu, tỷ lệ nuôi sống đạt 95,33%; khối lượng bình quân đạt 1,91 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng đạt 2,72 kg; hiệu quả kinh tế tăng so với ngoài mô hình là 16,74%. Với việc thực hiện đúng quy trình chăn nuôi gà theo VietGAHP và được cấp chứng nhận VietGAP, sản phẩm chăn nuôi dễ dàng được lưu thông trên thị trường.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò trên nền đệm lót sinh học với quy mô 250 con. Trong quá trình tham gia mô hình, các hộ đã rất tích cực trong việc thay đổi các thói quen chăn nuôi dựa theo kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng và phòng bệnh. Nhờ việc áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật đã được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao nên cho dù điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh trong vùng diễn biến phức tạp nhưng đàn bò trong mô hình vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đạt các tiêu chí kỹ thuật đề ra.

Kết quả mô hình, khối lượng đầu kỳ của đàn bò là 350,55 kg, sau 3 tháng nuôi vỗ béo, khối lượng đạt 426,40kg, tăng khối lượng tính chung cho cả kỳ là 75,85kg và sinh trưởng tuyệt đối là 842,78 g/con/ngày, hiệu quả kinh tế tăng so với ngoài mô hình là 15,20%. Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát như trấu, mùn cưa, phoi bào, rơm, rạ) trộn với hệ vi sinh vật (men vi sinh) để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ đem lại hiệu quả cao khi đảm bảo được môi trường, giảm chi phí, mà còn có tác động xã hội tích cực. Nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày, sử dụng hầm biogas... mất nhiều thời gian, nhân công, việc xử lý môi trường cũng không triệt để. Chất độn chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản phẩm sạch, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế không có rác thải.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Hoàn thiện và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp...

Theo Mard.gov.vn