Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Năm 2022 là năm thứ hai cả nước thực hiện “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025” và “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với chỉ tiêu trồng mới 244.000 ha rừng tập trung và hơn 121 triệu cây phân tán. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các ngành, địa phương cần nỗ lực, chủ động hoàn thành nhiệm vụ, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định, bền vững…

rừng
Nông dân huyện Tân Sơn (Phú Thọ) chăm sóc cây giống để trồng rừng. (Ảnh Công Sơn)

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2021, cả nước đã khai thác hơn 32 triệu m3 gỗ các loại, trong đó có tới hơn 21 triệu m3 gỗ từ rừng trồng tập trung. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ bền vững, đồng thời, giúp những người trồng rừng và sống bằng nghề rừng có cơ hội để tăng thu nhập. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả của cây trồng, rừng trồng không gì khác phải thay đổi tư duy, thay vì trồng cây chỉ lấy bóng mát, phủ xanh đất trống là trồng cây đa mục đích và mang lại giá trị kinh tế cao.

Phát huy hiệu quả trồng rừng

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, tất cả các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai; rà soát hầu hết các quỹ đất trồng cây và trồng rừng. Năm 2021, cả nước trồng đạt 115% kế hoạch, trong đó một số địa phương có kết quả tốt như: Nghệ An (7,3 triệu cây); Thanh Hóa (5,3 triệu cây); Lâm Đồng (4 triệu cây)… Đã xuất hiện nhiều mô hình tích cực trồng cây xanh, như mô hình thầy trò Trường Marie Curie từ “một mẩu rừng cho bạn” đến trồng 20.000 cây xanh tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và tiếp tục cam kết đồng hành trong những năm tiếp theo.

Đó là, dự án VARS: “góp một cây để có rừng” huy động từ các cá nhân trồng và phục hồi 80 ha rừng đầu nguồn sông Gianh, tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha trong năm 2022 và vận động các nguồn lực từ xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa. Cùng với đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đồng hành trồng cây, trồng rừng “vì một Việt Nam xanh” như Tập đoàn Novaland cam kết trồng 50 triệu cây ở Lâm Đồng, Công ty TNHH giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cam kết trồng mới 30 triệu cây xanh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết trồng một triệu cây phân tán… Riêng ngành lâm nghiệp, để chuẩn bị cung ứng giống cây trồng có chất lượng cao cũng đã chuẩn bị được hơn 400 triệu cây giống phù hợp với các điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu để phục vụ việc trồng rừng cho kế hoạch trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm và các năm tiếp theo.

rừng
Các lực lượng, học sinh thành phố Việt Trì (Phú Thọ) tham gia Tết trồng cây
Xuân Nhâm Dần 2022.

Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2021, một khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được thành lập và đi vào hoạt động, với diện tích gần 620 ha. Việc hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần quan trọng vào việc sản xuất giống cây trồng có chất lượng cao. Hiện nay hầu hết các địa phương đã hình thành các trung tâm giống cây lâm nghiệp có chất lượng, với sản lượng hàng triệu cây giống được cung cấp mỗi năm. Đây là nguồn cung cấp cây trồng quan trọng cho các địa phương sử dụng thế mạnh để phát triển cây trồng ổn định, có chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là quỹ đất để trồng rừng tại nhiều địa phương đang rất hạn hẹp, manh mún, thiếu sự kiểm soát và quản lý phù hợp, cần rà soát và quy hoạch cụ thể để phát huy giá trị kinh tế rừng. Một khảo sát gần đây cho thấy, trong tổng số 3,19 triệu ha đất rừng đã giao cho hộ dân, đến nay, diện tích rừng trồng là rừng sản xuất khoảng 1,45 triệu ha hiện đang được nắm giữ bởi 1,1 triệu hộ. Số diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ đồng nghĩa với việc các hộ không thể tiếp cận với nguồn gỗ từ các diện tích rừng này.

Thêm nữa, hiện cả nước có hơn 110 công ty lâm nghiệp. Có không ít diện tích đất lâm nghiệp nằm trong các công ty này hiện nay chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Một khó khăn nữa là diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng lớn, hiện chiếm 35% trong tổng diện tích rừng của cả nước. Một phần trong số diện tích này là đất trống và rừng suy thoái. Do đó, để trồng rừng hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Nhà nước cần đưa các diện tích đất trống, rừng suy thoái không thể phục hồi vào phát triển rừng trồng kết hợp với các cây trồng bản địa; cần tạo quỹ đất “sạch” để trồng rừng, phát triển rừng theo quy hoạch; bảo đảm ổn định, minh bạch quy hoạch đất rừng cho các tổ chức cá nhân để họ tham gia trồng rừng và được chia sẻ lợi ích từ hoạt động trồng rừng, vừa góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao hiệu quả đất rừng.

Nâng cao chất lượng nguyên liệu gỗ

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, tổng số diện tích rừng có chứng chỉ tại Việt Nam mới đạt hơn 307.000 ha, trong đó bao gồm 40.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Hiện diện tích rừng có chứng chỉ chiếm 8,4% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước. Ngành gỗ Việt Nam đang đặt trọng tâm vào khâu xuất khẩu. Các cơ chế chính sách của Chính phủ đi theo hướng khuyến khích hình thành liên kết chuỗi, tạo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn, tạo sản phẩm có trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thô như dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ. Việt Nam đang thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với các mức thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu và xuất khẩu các mặt hàng gỗ hiện hầu hết ở mức 0%. Điều này tạo ra lợi thế mở rộng thương mại cho ngành. Trong những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn tăng trưởng ở mức hai con số. Ngành gỗ là một trong những ngành đã và đang mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam.

Phát triển của ngành gỗ trong thời gian vừa qua có vai trò quan trọng của nguồn gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng trong nước. Bình quân mỗi năm các doanh nghiệp gỗ nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ. Con số thống kê của ngành lâm nghiệp cho thấy lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn, khoảng hơn 20 triệu m3 mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn là gỗ nhỏ được sử dụng làm nguyên liệu dăm. Nguồn gỗ từ các vườn cao-su thanh lý và cây phân tán khoảng 8-9 triệu m3 mỗi năm và ngày càng trở nên quan trọng cho chế biến. Nguồn gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng trong nước được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Như vậy, sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu, nhất là nguồn gỗ rừng trồng có chất lượng cao, có chứng chỉ quốc tế trong tương lai là đã nhìn thấy rõ.

Mặc dù đã cung cấp được hơn 70% nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ nhưng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước hiện vẫn đối mặt với bài toán chất lượng, sự ổn định lâu dài và chứng chỉ quốc tế theo quy định, nhất là đến nay vẫn còn nhiều lực cản hạn chế việc tạo nguồn nguyên liệu rừng gỗ lớn. Để có sự tham gia của cả cộng đồng vào phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng, cần có các cơ chế và chính sách đột phá nhằm giải phóng nguồn quỹ đất hiện đang được các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, chính quyền và hộ gia đình nắm giữ, sử dụng không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế pháp luật và các chính sách kinh tế phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân trồng cây, trồng rừng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, góp phần phát triển ổn định và bền vững kinh tế lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, cả nước đã trồng được 277.830 ha rừng trồng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ và hơn 100 triệu cây phân tán; bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng hơn 32 triệu m3 gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt hơn 15,8 tỷ USD…

 

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây