Hà Tĩnh sắp có khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

STNN - Mục tiêu lớn nhất của đề án là khai thác hiệu quả các giá trị nổi bật về cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng và các di tích lịch sử - văn hóa, nhằm đưa Vũ Quang trở thành điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đặc trưng của Bắc Trung Bộ theo hướng phát triển bền vững.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch sinh thái tại Vườn di sản ASEAN rộng 57.000 ha

khu-du-lich-sinh-thai-nghi-duong-vqg-vu-quang-2-min-1751511729.jpg
Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong thời gian tới.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chính thức phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho du lịch sinh thái miền Trung trong giai đoạn 2025 - 2030. Đây được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt giúp nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Theo nội dung Đề án, trọng tâm phát triển được đặt vào việc khai thác giá trị cảnh quan tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng điển hình. Đồng thời kết hợp hài hòa với yếu tố văn hóa – lịch sử, hướng tới hình thành một mô hình du lịch sinh thái phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và cộng đồng địa phương.

Tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón tối thiểu 15.000 lượt khách mỗi năm, trong đó có ít nhất 8% là khách quốc tế. Khoảng 30% du khách được kỳ vọng sẽ lưu trú qua đêm, mang lại tổng doanh thu tối thiểu 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, đề án hướng đến việc tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động, trong đó phần lớn là người dân bản địa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ du lịch sinh thái và các dịch vụ liên quan. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, đặt mục tiêu có ít nhất 5 nhà đầu tư chiến lược tham gia vào khai thác và thuê môi trường rừng để phát triển sản phẩm du lịch.

khu-du-lich-sinh-thai-nghi-duong-vqg-vu-quang-4-min-1751511729.jpg
Vườn Quốc gia Vũ Quang được đánh giá là khu vực có sự đa dạng sinh học cao bậc nhất của khu vực với sự có mặt của 1.616 loài thực vật có ích; hệ động vật gồm 6 lớp (thú, chim, bò sát, ếch nhái, cá và côn trùng).

Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Vườn Quốc gia Vũ Quang giai đoạn 2025 – 2030 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 672,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 653,5 tỷ đồng (97,23%), ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 1,67%.

Theo đề án, loại hình du lịch sẽ được phát triển tại Vườn Quốc gia Vũ Quang rất đa dạng, từ du lịch sinh thái truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng đến các hoạt động khám phá mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, thuyền tham quan, leo núi và du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa – lịch sử.

Vườn Quốc gia Vũ Quang có nhiều cảnh đẹp, nguyên sơ (thác Thang Đày, Trại Cưa, đảo Đá Bàn, đỉnh Rào Cỏ, suối Rào Rồng...). Rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang có mức độ đa dạng sinh học cao, đặc biệt tại đây có hồ thuỷ lợi Ngàn Trươi, hồ thuỷ lợi Đá Hàn với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Các loại hình và sản phẩm du lịch được xác định trong đề án bao gồm: du lịch sinh thái; dã ngoại; tham quan nghiên cứu khoa học; tham quan các di tích lịch sử, các danh lam; du thuyền; du lịch mạo hiểm, thám hiểm kết hợp leo núi; du lịch nghỉ dưỡng... Các sản phẩm du lịch: dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng; ẩm thực, tham quan, cắm trại; khám phá mạo hiểm, bơi thuyền, leo núi; tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học,...

Các tuyến du lịch sinh thái được đề án đặt ra gồm: khám phá vườn thực vật; khám phá đảo Đá Bàn; khám phá thác Thang Đày và quần thể pơmu ngàn năm tuổi; khám phá thành cụ Phan Đình Phùng và rừng sấu cổ thụ; chinh phục đỉnh Rào Cỏ.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang được giao trọng trách giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Công tác bảo tồn thiên nhiên và cảnh báo rủi ro sẽ được đặt lên hàng đầu nhằm tránh tình trạng khai thác du lịch vượt quá sức chịu tải của hệ sinh thái.

Với những lợi thế hiếm có về cảnh quan, sinh học và văn hóa, Vườn Quốc gia Vũ Quang được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm sáng mới trên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam. Đề án không chỉ nhằm phát triển du lịch đơn thuần, mà còn góp phần lan tỏa giá trị của thiên nhiên và nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương – đúng với tinh thần du lịch xanh và bền vững.

Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả 6 cá thể cầy vòi mốc

khu-du-lich-sinh-thai-nghi-duong-vqg-vu-quang-1-min-1751511728.jpg
Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận 6 cá thể cầy vòi mốc từ Hạt Kiểm lâm Hương Sơn bàn giao.

Vườn Quốc gia Vũ Quang vừa phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tái thả 6 cá thể cầy vòi mốc (tên khoa học là Paguma larvata) về môi trường tự nhiên. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc Nhóm IIB. Các cá thể cầy vòi mốc này trước đó được Hạt Kiểm lâm Hương Sơn bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang để chăm sóc.

Sau một thời gian chăm sóc kỹ lưỡng, các cá thể cầy vòi mốc đã đủ điều kiện để tự sinh tồn trong môi trường tự nhiên.

Sau khi thả về môi trường tự nhiên, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn.

khu-du-lich-sinh-thai-nghi-duong-vqg-vu-quang-3-min-1751511729.jpg
Tiến hành tái thả về môi trường các cá thể cầy vòi mốc.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận 35 cá thể động vật hoang dã từ các đơn vị, người dân trong và ngoài tỉnh bàn giao. Các cá thể này sẽ được đơn vị lần lượt tái thả về môi trường tự nhiên khi đảm bảo các điều kiện.

Cầy vòi mốc (Paguma larvata) là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc Nhóm IIB, phụ lục I (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, bị cấm săn bắt, nuôi nhốt và buôn bán nếu không có giấy phép hợp pháp. Hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 5 đến 12 năm tù theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hoàng Nghĩa