STNN - Sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Lúa đông xuân năm nay được mùa, được giá; cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Chăn nuôi phát triển ổn định với sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá, dịch bệnh được kiểm soát.
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2024 đạt 2.954,0 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023. Các địa phương phía Bắc đạt 1.059,8 nghìn ha, giảm 8,2 nghìn ha , trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 5,7 nghìn ha; vùng Trung du và miền núi phía Bắc giảm 1,7 ha; vùng Bắc Trung Bộ giảm 0,8 nghìn ha. Một số địa phương diện tích lúa đông xuân giảm như: Hà Nội giảm 1.534 ha; Bắc Ninh giảm 801 ha; Hà Giang giảm 141 ha; Thừa Thiên Huế giảm 145 ha. Các địa phương phía Nam đạt 1.894,2 nghìn ha, tăng 9,4 nghìn ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.487,7 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha chủ yếu do giá lúa từ cuối năm 2023 ở mức cao, người dân cố gắng gieo cấy tối đa diện tích.
Vụ đông xuân năm 2024, các địa phương đã chủ động điều chỉnh thời vụ, chuyển đổi cây trồng, đảm bảo nguồn nước tưới, tập trung chăm sóc lúa phòng chống rét, nắng hạn; cùng với đó, các sở, ban, ngành có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tích cực áp dụng các phương pháp mới như trồng lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa có chất lượng và năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh nên năng suất lúa đông xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 71,1 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha). Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng cao so với vụ đông xuân năm 2023 là Trà Vinh đạt 67,0 tạ/ha, tăng 6,0 tạ/ha; Khánh Hòa đạt 69,2 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha; Quảng Bình đạt 64,7 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha; Sóc Trăng đạt 70,1 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha.
Sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay ước đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, miền Bắc đạt 6,86 triệu tấn, tăng 2,8 nghìn tấn; miền Nam đạt 13,46 triệu tấn, tăng 129,7 nghìn tấn (riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,75 triệu tấn, tăng 77,6 nghìn tấn). Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước là: Sóc Trăng tăng 87,6 nghìn tấn; Trà Vinh tăng 34,9 nghìn tấn; Long An tăng 30,5 nghìn tấn; Bạc Liêu tăng 13,7 nghìn tấn; Kiên Giang tăng 13,4 nghìn tấn.
Lúa hè thu
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2024, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.825,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.419,3 nghìn ha, bằng 97,8%. Nguyên nhân diện tích gieo trồng lúa hè thu giảm so cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, mưa đến muộn, thiếu nước tưới nên tiến độ xuống giống muộn. Các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân cần xuống giống đúng thời vụ, nhằm né mặn, sâu bệnh, các đợt rầy nâu di trú, tăng cường sử dụng giống lúa không lẫn tạp, có nguồn gốc rõ ràng. Hiện lúa hè thu các địa phương phía Nam đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ chín, các trà lúa phát triển tương đối tốt. Đến nay, có 196,0 nghìn ha lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 84,0% cùng kỳ năm trước.
Cây hằng năm
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.
Cây lâu năm
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.784,9 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.271,1 nghìn ha, tăng 2,6% do được chuyển đổi từ những diện tích hoa màu. Một số loại cây có diện tích tăng: Sầu riêng đạt 153,9 nghìn ha, tăng 17,4%; chanh leo đạt 12,6 nghìn ha, tăng 9,3%; ổi đạt 27,2 nghìn ha, tăng 5,6%... Nhóm cây công nghiệp đạt 2.183,0 nghìn ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục xu hướng giảm do những năm gần đây giá bán sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, lợi nhuận không đạt kỳ vọng nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
Trong quý II/2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xoài đạt 440,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 206,1 nghìn tấn, tăng 1,8%; sầu riêng đạt 343,3 nghìn tấn, tăng 17,6%; nhãn đạt 111,9 nghìn tấn, tăng 9,4%. Riêng sản lượng vải năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước do mưa nhiều tại thời điểm cây ra hoa nên ảnh hưởng đến việc kết trái, sản lượng chỉ đạt 134,3 nghìn tấn, giảm 17,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 347,8 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; cao su đạt 282,4 nghìn tấn, tăng 2,0%; hồ tiêu đạt 99,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 101,8 nghìn tấn, giảm 7,1%.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; mít đạt 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; nhãn đạt 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; ổi đạt 201,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; chanh leo đạt 79,4 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; cao su đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2,0%; hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 330,3 nghìn tấn, giảm 5,2%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến và giá thịt lợn hơi ở mức cao. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ.
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, các cơ quan quản lý cần đưa ra các định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát được dịch bệnh; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm đầu ra và ưu đãi tín dụng. Cùng với đó, người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.
Tính đến ngày 23/6/2024, cả nước không có dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng còn ở Yên Bái và Gia Lai; dịch viêm da nổi cục còn ở Bắc Kạn và Đắk Nông; dịch tả lợn châu Phi còn ở 23 địa phương chưa qua 21 ngày.
Kim Cương