Ở các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nếu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bất hợp lý và mất kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và ô nhiễm môi trường sinh thái.
Việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành chuyên môn chỉ ra nhiều hệ lụy, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa đến sức khỏe của con người. Ở một số nơi, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình, không theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng nên một lượng lớn thuốc BVTV đã tồn đọng trong môi trường đất, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hoạt động của vi sinh vật có ích khiến đất đai bị suy kiệt. Ngoài ra, tình trạng xả nước thải chăn nuôi, chất thải trong hoạt động công nghiệp, vứt rác thải bừa bãi… lâu dần cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đất nông nghiệp.
Nhìn nhận được mối nguy hại đến môi trường từ nguồn tồn dư thuốc BVTV, phân hóa học, chất xả thải… thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương và bản thân nông dân đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh đều được khuyến cáo để giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các thuốc ngoài danh mục, đồng thời hướng nông dân dần chuyển đổi sang phương thức canh tác, chăn nuôi hữu cơ, sinh học.
Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình chứa bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường... nhằm bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP ngày càng được khuyến khích nông dân áp dụng. Là một trong những hộ áp dụng quy trình này, ông Nguyễn Long Đỗng - thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát ở huyện Cù Lao Dung cho biết: “Canh tác theo quy trình VietGAP đã giúp nông dân chúng tôi giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó, chúng tôi tiết kiệm được chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe, môi trường hơn”.
Các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP ở những địa phương khác cũng nhận định rằng, tuy phải thực hiện thêm một số khâu theo quy định nhưng quy trình VietGAP giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cây trồng tăng lên và giảm được chi phí sản xuất. Từ những hiệu quả này cho thấy, việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường là giải pháp để phát triển bền vững. Vì vậy, nhà nông cần tích cực áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Nguồn: baosoctrang.vn