Suối Huồi Giảng gào thét, người Kỳ Sơn còn gì khi cơn lũ tràn qua?

STNN – Suối Huồi Giảng nổi cơn giận dữ. Lũ ống, lũ quét biến xã Tà Cạ thành một bãi hoang tàn, người dân dường như trắng tay sau lũ. Chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang và các ban ngành đoàn thể đã và đang dốc toàn bộ lực lượng cùng người dân khắc phục hậu quả do lũ.

lũ quét ở Kỳ Sơn Nghệ An
Mặc dù lũ quét đã đi qua nhưng người dân Tà Cạ vẫn đang gồng mình gánh chịu những hậu quả nặng nề sau cơn lũ – Ảnh: Ngọc Linh

Từ trước tới nay, người dân ở xã Tà Cạ chưa từng thấy trận lũ nào kinh hoàng đến vậy. Thiên tai ập xuống, nước lũ tràn về quá nhanh, khiến mọi người không kịp trở tay. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, xã Tà Cạ đã trở thành một bãi hoang tàn. Tổn thất dường như không chừa một gia đình nào ở vùng quê nghèo khó này.

Xã Tà Cạ có hơn 100 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi. Nhà nhà ngập trong bùn đất. Toàn bộ diện tích hoa màu của người dân bây giờ bị vùi trong lớp đất đá, bùn lầy. Những tuyến đường nối với các bản cũng bị nước lũ cuốn, bị hư hỏng nặng. Hai bản Hòa Sơn, Sơn Hà bị thiệt hại nặng nề nhất và bị chia cắt bởi khe Huồi Giảng.

Trước đây, khe Huồi Giảng hiền hòa, nước trong khe chỉ đến mắt cá chân, trẻ nhỏ 3, 4 tuổi cũng lội qua được. Lần này, khi lũ tràn về, dòng nước cuộn lên dữ dội, khiến khe Huồi Giảng như nổi cơn giận dữ bất thường muốn cuốn phăng cả vùng quê nghèo. Hơn 200 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu sinh sống tại khu vực tiếp giáp với đường Mường Xén – Tây Sơn bị chia cắt, tính mạng như treo sợi chỉ mành.

Sáng mùng 3/10, khi nước lũ rút xuống thấp, chính quyền địa phương huyện Kỳ Sơn đã vận dụng hết tất cả những vật dụng còn sót lại mới có thể làm một chiếc cầu tạm để người dân bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ di chuyển ra ngoài để nhận lương thực, nhu yếu phẩm được tiếp tế. Giờ đây, những giây phút kinh hoàng đã qua, nhưng có lẽ nó sẽ để lại những ký ức ám ảnh và bà con lại phải đương đầu với những khó khăn, gian khổ hiện hữu trước mắt.

Bùn lầy đất đá phủ kín tất cả mọi nơi mà nó đi qua - Ảnh: Ngọc Linh
Bùn lầy đất đá phủ kín tất cả mọi nơi mà cơn lũ đi qua – Ảnh: Ngọc Linh

Trong căn nhà chất đầy những đồ đạc mà dân làng gửi gắm may mắn còn sót lại sau trận lũ, anh Lê Minh Hương kể về những phút giây hãi hùng: “Lũ quét xảy ra lúc 2-3h sáng ngày 2/10 khiến mọi người đều bất lực. Trong đêm tối mù tối mịt, nhiều người hét đến lạc cả giọng. Tôi chạy xuống các hộ dân sinh sống gần khe Huồi Giảng kêu gọi mọi người bỏ của chạy lấy người, giữ lấy mạng sống. Cứ nghĩ lúc đó đã ổn rồi, nào ngờ, vài tiếng sau, trên thượng nguồn tiếng lũ đổ về ầm ầm như tiếng sấm. Chỉ trong nháy mắt, lũ cuốn hơn một nửa số nóc nhà bản Hòa Sơn xuống dòng sông Nậm Mộ. Nhiều hộ sống ở khu vực thấp mất nhà cửa, mất tài sản đang lâm vào cảnh trắng tay. Những hộ sống ở trên cao cũng lo ngay ngáy khi nửa quả đồi Chù Lủ nằm ngay sát nhà đang bị sạt lở nghiêm trọng, hiện nhiều nhà bị xô lệch theo. Dân bản đang trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn đủ bề, nan giải nhất là thực phẩm, nước uống. Lúc này cần lắm sự chung tay, giúp sức của cộng đồng”.

Mặc dù đã huy động toàn bộ lực lượng nhưng do lượng đất đá đổ về quá lớn, phủ kín mọi nơi mà nó đi qua nên việc khắc phục hậu quả do lũ gặp muôn vàn khó khăn. Việc khơi thông các tuyến đường cũng vô cùng vất vả. Từ thị trấn Mường Xén đi vào Tà Cạ chỉ khoảng 1km, ngày bình thường chỉ đi hết tầm 5-6 phút, nhưng nay xe cơ giới không thể tiếp cận, đi bộ vào thì phải len lỏi vượt qua những khối đất đá ngổn ngang, bùn đất lầy lội, hết sức nhọc nhằn. Khi chúng tôi vào tới cách bản khoảng 300m, nước lũ trên thượng nguồn vẫn đang đổ về dữ dội, cuồn cuộn, hãi hùng.

Ông Lô Văn Tiến: “Tôi sống hơn nửa đời người rồi chưa từng thấy trận lũ nào như thế này” - Ảnh: Ngọc Linh
Ông Lô Văn Tiến: “Tôi sống hơn nửa đời người rồi chưa từng thấy trận lũ nào như thế này” – Ảnh: Ngọc Linh

Thiên tai đã cướp đi của người dân những thành quả lao động mà cả đời người họ nỗ lực, dành dụm. Men theo con đường đầy bùn đất, chúng tôi gặp ông Lô Văn Tiến, người đã gắn bó với mảnh đất Tà Cạ hơn 60 năm nay, đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay của mảnh đất này. Ông Tiến chưa hết bàng hoàng: “Tôi chưa từng chứng kiến trận lũ nào mà nó có sức tàn phá kinh hoàng đến vậy. Khoảng 0h ngày 1/10 nước từ thượng nguồn bắt đầu chảy về nhưng không lớn lắm, nước rút ngay sau đó nên người dân không mảy may đề phòng. Nào ngờ, chỉ 2 tiếng sau, nước dồn về như thác đổ, âm thanh rền vang như động đất, lúc này không kịp trở tay nữa rồi! Trong tình thế cấp bách, tôi chỉ kịp tri hô người thân, con cháu cấp tập chạy lũ, không màng đến thứ gì khác. Thiên tai quá tàn nhẫn, chớp mắt cướp đi sạch mọi thứ của dân nghèo. Chúng tôi không nghề ngỗng, không có thu nhập ổn định, chỉ biết duy trì nguồn sống từ vườn rau, ao cá. Giờ đất đá lấp sạch rồi, biết dựa vào đâu để sống đây?”.

Hoàn cảnh của thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh cũng khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Thầy Khánh ngồi trước bậc thềm nhà hàng xóm với bộ quần áo ướt sũng, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt trộn lẫn nước mưa. Thầy kể: “Tôi rời quê nhà lên Kỳ Sơn công tác; 17 năm, là quãng thời gian không ngắn. Tôi gắn bó với mảnh đất này, lấy vợ sinh con, hai vợ chồng chắt chiu nuôi con ăn học. Cách đây hai tháng, vợ tôi ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Gà trống nuôi con, đồng lương giáo viên của tôi thu vén lắm mới lo được cái ăn cái mặc cho các con. Nay lũ kéo về, nhà lại nằm sát ngay dòng chảy, chỉ trong phút chốc tất cả bị cuốn phăng theo dòng nước. Trong lúc hoảng loạn, tôi kéo đứa con lớn, cõng đứa con nhỏ tháo chạy thoát thân. Mấy ngày nay, ba bố con chỉ biết nương tựa vào hàng xóm, không biết bao giờ mới ổn định lại được cuộc sống đây?”

Cách đây 1 tháng, chỉ trong 2 ngày (mùng 4- 5/9), trên địa bàn các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Tây Sơn, Na Ngoi, thị trấn Mường Xén… huyện Kỳ Sơn xảy ra mưa lớn cục bộ, kết hợp lũ ống, lũ quét đã gây nên sạt lở kinh hoàng, tổng thiệt hại trên 70 tỷ đồng – một con số khủng khiếp đối với một huyện nghèo Kỳ Sơn.

Hàng trăm hộ dân tại hai bản Hòa Sơn và Sơn Hà chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thu nhập chẳng đáng là bao. Nay đất canh tác cũng bị đất đá vùi lấp, những ngày tháng sau bão lũ, đồng bào lại vất vả, khốn khổ vì miếng cơm manh áo. Việc khắc phục hậu quả sau bão lũ không chỉ ngày một ngày hai. Bà con nơi đây rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Bài, ảnh: Ngọc Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây