Tản mạn đầu Xuân!

Văn hoá cổ đại phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng về cơ bản là loại hình văn hoá nông nghiệp, là sản phẩm của xã hội tông pháp mà gia đình và quốc gia cùng một kết cấu phụ quyền và quân quyền trường thông. Một xã hội dựa trên cơ sở kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc của một môi trường địa lý cách biệt. Chính nền kinh tế này đã có tác động mạnh mẽ đến nền văn hóa truyền thống.

Tết
“Tết” là biến dạng phiên âm của “Tiết”, một thuật ngữ Hán Việt có nghĩa là “Chặng tre nối đuôi nhau"

Ở các vùng nông thôn rộng lớn, nền nông nghiệp trồng trọt mang tính thời vụ cao. Lúc vào mùa, công việc bận rộn, ngay cả ăn uống ng­ười ta cũng ăn đại khái cho được việc. Lúc không có mùa vụ, thời gian rảnh rỗi, ng­ười dân nghỉ ngơi và trong chừng mực nào đó họ như muốn nghỉ bù những ngày mùa vất vả, đấy cũng là nguyên nhân sinh ra tập tục lễ tết nhiều. Cũng chính vì như thế, các tập tục, lễ tết cổ phần nhiều gắn với nông nghiệp và khí hậu, thời tiết...

Về đời sống xã hội, các quốc gia phương Đông mà điển hình là Trung Quốc có một nền văn hóa phát triển sớm với rất nhiều các lễ tết. Ngay từ thời nhà Hạ cách đây hơn 4.000 năm, người Trung Quốc đã biết đến đường hoàng đạo và chu kỳ di chuyển của sao Mộc. Căn cứ vào chu kỳ đó, người ta xác định thời gian và gọi là 1 tuế (1 tuổi). Trong một tuế căn cứ vào sự thay đổi của đường hoàng đạo và khí hậu, thời tiết, người Trung Quốc cổ đã chia thành 24 tiết khí, mỗi tháng có 2 tiết khí theo trật tự như sau: tháng Giêng gồm Tiểu hàn và Đại hàn; tháng Hai gồm Lập xuân, Vũ thủy; tháng Ba gồm Kinh trập, Xuân phân; tháng Tư gồm Thanh minh, Cốc vũ; tháng Năm gồm Lập hạ, Tiểu mãn; tháng Sáu gồm Mang chủng, Hạ chí; tháng Bảy gồm Tiểu thử, Đại thử; tháng Tám gồm Lập thu, Xử thử; tháng Chín gồm Bạch lộ, Thu phân; tháng Mười gồm Hàn lộ, Sương giáng; tháng Mười một gồm Lập đông, Tiểu tuyết; tháng Mười hai gồm Đại tuyết, Đông chí. Do chu kỳ quay của sao Mộc tương đương với chu kỳ quay của Trái đất nên 24 tiết khí này gần như trùng với tháng dương lịch mà không trùng với tháng âm lịch tính theo chu kỳ quay của Mặt trăng.

Tuy có nhiều tết nhưng tết Xuân là tết mở đầu của tháng Giêng và cũng là tết mở đầu của một chu kỳ nên có thể nói là tết quan trọng nhất trong chu kỳ. Ở các vùng khác nhau, các dân tộc khác nhau, việc chuẩn bị đón tết Xuân và các lễ tục đón tết Xuân có thể có khác nhau nhưng về cơ bản đều được các gia đình chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận từ trước ngày 30 tháng Chạp. Các việc chuẩn bị chính là sửa sang phần mộ tổ tiên và những người thân đã khuất, quét dọn sạch sẽ nhà thờ tổ, nhà ở, dọn dẹp đường ngõ, trang trí đón tết như treo câu đối, treo tranh, làm bánh tết, mua thực phẩm, mua hoa quả, pháo tết...

Tết
Ngày Tết cũng là ngày gia đình đoàn viên sum họp

Thực tế thì ở thời cổ đại tết Xuân chỉ được coi là mở đầu một chu kỳ và gọi là "Tái". Sang đời nhà Hạ "Tái" được thay bằng "Tuế". Khi chuyển sang đời Thương, "Tuế" lại được thay bằng "Tự". Cũng phải đến đời Ân, Thương người Trung Quốc mới biết lấy một chu kỳ tròn và khuyết của trăng gọi là một tháng (một Nguyệt). Ngày đầu của tháng được gọi là "Sóc", ngày giữa của tháng được gọi là "Vọng". Tháng đầu tiên của mỗi chu kỳ (Tuế, Tự) được tính từ tiết Lập xuân. Ngoài ra còn quy định giờ mở đầu của ngày "Sóc" được gọi là giờ "Tý". Do vậy ngày đầu tiên của năm được gọi là "Nguyên đán" hoặc "Nguyên nhật" (Nguyên là đầu tiên, Đán là sớm). Tết Xuân thời này còn được gọi là "Tam nguyên" với nghĩa là đầu năm, tháng đầu tiên, giờ đầu tiên. Đến nhà Chu thì "Tự" mới đổi thành "Niên", lúc này "Nguyên đán" mới có thêm tên gọi "Tân niên"(Năm mới).

Tuy nhiên vì lúc này chưa có lịch nên thời gian trong năm vẫn theo cách phân chia các tiết khí, do đó việc xác định ngày "Nguyên đán" cũng có những điểm chưa thống nhất. Thí dụ trong "Kinh Thi" phần nói về nhà Chu có câu: "Niên chung vi thập nguyệt, tuế đầu vi thập nhất nguyệt" thì có thể hiểu cuối năm là tháng 10 còn đầu năm là tháng 11, nghĩa là "Năm mới" được bắt đầu vào tháng 11. Phải đến thời Hán Vũ đế (Thái Sơ nguyên niên, năm 104 TCN), khi nhà vua quy định toàn Trung Quốc dùng lịch Thái sơ (còn gọi là Hạ lịch) thì mới chính thức có quy định tháng 12 (tháng Chạp) là tháng cuối năm, tháng Giêng là tháng đầu năm. Ngày đầu tiên của tháng Giêng gọi là Nguyên đán. Đến lúc này tết Xuân mới có thêm tên gọi là tết Nguyên đán.

Hiện vẫn còn một số dân tộc thiểu số của Trung Quốc và Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa do không biết hoặc không muốn theo lịch Thái Sơ nên đến nay vẫn ăn tết "năm mới" theo cách tính từ thời Chu nghĩa là năm mới vào đầu tháng 11.

Như vậy phải đến cuối đời nhà Thương đầu đời nhà Chu ở Trung Quốc mới có khái niệm một chu kỳ là 1 năm và đầu chu kỳ hay đầu năm được gọi là năm mới.

Nhưng làm thế nào để người dân không biết chữ, không có lịch lại xác định được thời gian bắt đầu của một chu kỳ hay là bắt đầu năm mới để tính tuổi?

Đối với người ở phương Bắc, từ cổ xưa đã sống bằng nghề chăn nuôi. Vì gia súc sống chủ yếu là ăn cỏ nên người dân chú ý đến cỏ. Trong một thời gian dài, người ta gặp một thời kỳ lạnh giá, băng tuyết phủ kín đất, cây cỏ bị chết. Khi thời tiết thay đổi, ấm áp, tuyết tan thì cỏ nảy mầm xanh trở lại. Vì vậy cứ mỗi lần tuyết tan khắp mọi nơi lại hiện lên một màu xanh tươi đẹp. Trải qua nhiều đời người ta gọi sự thay đổi này là một chu kỳ của thời tiết và những người chăn nuôi coi là một tuổi (đầu tiên họ gọi là một tuế). Người bao nhiêu tuổi là người nhìn thấy bấy nhiêu lần cỏ xanh.

Hay như người dân tộc Hách Triết ở vùng Đông Bắc (Trung Hoa) sống bằng nghề đánh bắt cá, người ta lại căn cứ vào số đầu một loại cá có tên là “Đại mã cáp” để tính tuổi. Nguyên nhân là do hiện tượng thủy triều của biển và sông. Cứ sau một thời gian nhất định, nước biển lại tràn vào sông, lúc này những người Hách Triết lại bắt được một loại cá gọi là “Đại mã cáp”. Mỗi một "chu kỳ" sau khi ăn cá, họ treo cho mỗi người trong gia đình một đầu cá và tính là một tuổi. Số tuổi của một người được tính chính bằng số đầu cá treo trên tường.

Cũng có vùng, người dân lại căn cứ vào hoạt động của chim. Khi trời lạnh chim bay đi, tuyết phủ quang cảnh buồn, vắng vẻ. Khi trời ấm, tuyết tan thì chim bay về quang cảnh lại nhộn nhịp. Người dân lấy mốc chim bay về để tính là một tuổi. Số tuổi cũng chính là số lần nhìn thấy chim bay về...

Như vậy, khái niệm “năm mới” vốn từ cổ xưa đã gắn liền với quy luật chu kỳ hoạt động của động thực vật. Nhưng vì sao một chu kỳ lại được gọi là một năm, mà mở đầu một chu kỳ lại gọi là “năm mới”, hay nói cách khác vì sao lại có danh từ "năm mới"?

Điều này có liên quan đến truyền thuyết dân gian. Theo dân gian kể lại khi xưa, sau một thời gian băng tuyết lạnh giá phải nhịn đói, khi tuyết tan trời ấm chim muông bay về thì cũng có một con quỷ xuất hiện. Con quỷ này chuyên bắt chim, bắt cá ăn thịt. Nhưng cũng có khi bắt chim cá ăn không đủ nó lại vào các thôn xóm bắt gia súc và có khi bắt cả người để ăn. Khi đã no nê thì con quỷ này bay đi và không trở lại nữa, mỗi chu kỳ chỉ đến một lần.

Đến chu kỳ sau khi chim cá về thì lại có một con quỷ khác cùng giống bay đến, ăn xong nó lại bay đi. Người dân rất sợ giống quỷ này vì không chỉ hại gia súc mà còn hại cả người nữa. Giống quỷ này có tên gọi là “Niên” (Năm). Vì vậy cứ sau mỗi chu kỳ của cỏ cây, chim, cá biết con “năm mới” lại sắp xuất hiện người ta nhắc nhở nhau: Con “Năm mới” sắp đến đấy! Con “Năm mới” sắp đến đấy!

Ban đầu đây chỉ là lời nhắc để chuẩn bị đề phòng cho người và gia súc. Lâu dần thành quen và “năm mới” trở thành tên gọi đầu mỗi chu kỳ thay thế cho tên cũ là “tuế”. Cũng như vậy việc mọi người chúc nhau mỗi khi “năm mới” đến được bình yên, khỏe mạnh, vui vẻ... đều có nguyên nhân gắn với sự xuất hiện của giống quỷ có tên là "Năm" trong câu chuyện cổ tích này.

Ngoài ra, mua pháo để đốt vào lúc Giao thừa và cả trong những ngày xuân là tập tục có từ lâu đời và cũng có liên quan đến giống quỷ có tên là "Năm". Theo truyện dân gian thì có một lần do bắt chim, cá không đủ ăn, "con Năm" đói quá bèn vào một làng định bắt gia súc và người để ăn thịt. Lúc này trong làng người ta đang phơi vải, lưới, có màu đỏ. "con Năm" nhìn thấy màu đỏ sợ quá chạy sang làng khác.

Đến làng thứ hai nó lại gặp lúc lũ trẻ con chơi đánh thừng, những tiếng thừng vụt dọa nhau, kêu vun vút trong không trung và tiếng hò reo của lũ trẻ cũng làm nó sợ và chạy mất luôn.

Từ đó người dân biết "con Năm" sợ tiếng ồn và sợ màu đỏ nên mỗi khi năm mới sắp đến là người ta lại phơi vải màu đỏ, hò reo, gõ đồ vật gây ra tiếng ồn để đuổi nó. Có một số nơi dân làng lại chọn khoảng 100 thiếu niên tầm 9, 10 tuổi mặc áo thâm, đội mũ đỏ cầm trống vừa đi vừa đánh để đuổi con Năm mà sau này người ta cho là xua đuổi tà ma nói chung. Đến các đời sau, khi biết chế ra pháo thì người ta nhuộm vỏ pháo màu đỏ, đốt vào lúc Giao thừa và ngày Xuân để khi pháo nổ vừa có màu đỏ, vừa có tiếng ồn với mục đích đuổi con quỷ có tên là “Năm” này.

Tết
Cùng nhau làm mâm cỗ dâng lên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên

Vậy tập tục đốt pháo có từ bao giờ? Sách "Sự vật kỷ nguyên" của Tống Cao Thừa có ghi: "Thời Tam quốc có Mã Quân là người đầu tiên dùng thuốc nổ để làm pháo" nhưng không ghi cụ thể làm như thế nào. Đến đời Tấn mới thấy nói nhân dân phổ biến dùng giấy, dây gai, thuốc nổ để làm pháo. Khi pháo được làm thành công thì công việc này được lợi dụng ngay bằng cách dùng thuốc màu nhuộm hồng vỏ pháo. Tiếng pháo nổ nghe vừa vui tai và khi nổ lại tạo ra một vùng xác pháo màu hồng rực rỡ đẹp mắt. Có lẽ vì vậy tục đốt pháo Giao thừa và những ngày tết Nguyên đán để đuổi quỷ nhanh chóng thịnh hành. Như vậy tục đốt pháo chỉ có thể có từ sau đời Hán. Bởi vì phải đến đời Hán Hòa đế, khoảng năm 105 sau Công nguyên Thái Luân mới phát minh ra cách làm giấy.

Thái Luân tự là Kính Trọng là người Quế Dương thời Đông Hán (nay là thành phố Sâm Châu tỉnh Hồ Nam). Ông là người rất có tài, chịu khó học hỏi. Từ những năm cuối thời Minh đế, niên hiệu Vĩnh Bình, ông đã được làm quan giữ chức Sự Cung... đến khi Hòa đế lên ngôi, ông được chuyển làm Trung Thường thị. Năm đầu niên hiệu Nguyên Hưng ông đã dùng vỏ cây, dây gai, vải vụn và lưới đánh cá cũ chế tạo ra giấy rồi đem trình lên Hòa đế. Nhà vua xem vừa quý tài Thái Luân vừa thích giấy do ông tạo ra nên ban thánh chỉ cho phép triều đình và dân chúng được dùng giấy từ đó.

Theo VUSTA