Tăng cường hoạt động giám sát về môi trường, tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nóng”

STNN – Trong thời gian tới, các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.

Tổng cục Môi trường họp báo cáo kế hoạch xử lý các điểm ô nhiễm môi trường – Ảnh: MONRE

Từ năm 2017 đến nay, công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường đã được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đẩy mạnh; các điểm nóng về môi trường đã được kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời.

Tổng cục đã chỉ đạo 3 Cục Bảo vệ môi trường vùng triển khai giám sát chặt chẽ theo 3 khu vực miền Bắc, khu vực miền Trung – Tây Nguyên, khu vực miền Nam. Với việc phân công đơn vị quản lý môi trường vùng hợp lý, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Việc giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp phương hướng giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2011-2020, 3 Đề án lưu vực sông (Cầu, Nhuệ – Đáy, hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai) đã được triển khai, đánh giá các kết quả đã đạt được, các tồn tại hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông lớn vẫn là vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm và có nhiều chất vấn.

Theo kết quả quan trắc năm 2021, đa phần các lưu vực sông lớn như: Hồng – Thái Bình và Mã – Chu, Cả – La, Vu Gia -Thu Bồn và Mê Kông duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, khu vực làng nghề, khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp,… (đoạn sông Cầu trước khi vào TP. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận Hà Nội).

Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc (Nhuệ – Đáy, Cầu) và phía Nam (Đồng Nai), tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét,… (Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh – Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật,… Ô nhiễm trên các lưu vực chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng. Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Về kế hoạch xử lý dứt điểm một số điểm nóng, khu vực ô nhiễm môi trường trong năm 2022 và trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường. Trong năm 2022, thực hiện giám sát theo kế hoạch được duyệt dự kiến 2 đợt/năm (chưa bao gồm các đợt giám sát đột xuất khác khi cần thiết theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền).

Trong đó đợt 1 sẽ giám sát việc khắc phục các tồn tại, hạn chế và việc phòng ngừa nguy cơ gây ra sự cố môi trường đã nêu ra trong năm 2021, đồng thời Đoàn giám sát yêu cầu Nhà máy thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường khác phù hợp với quy định và thực tế phát sinh tại thời điểm giám sát. Đợt 2 thực hiện giám sát các yêu cầu đã nêu ra trong Đợt 1, đánh giá kết quả thực hiện vào cuối đợt giám sát và yêu cầu Nhà máy thực hiện các nội dung liên quan để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tiếp theo.

Cùng với đó, Tổng cục Môi trường cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông trong năm 2022 và trong thời gian tới. Theo đó, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông Cầu tại mỗi địa phương trong đó tập trung trước mắt vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu chưa hoàn thành mà Đề án đã đề ra, nghiên cứu các giải pháp, phương án để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước làng nghề, các cơ sở sản xuất có nguồn thải ra sông; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất có lưu lượng thải lớn;…

Linh Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây