Tết “Pay tái” – nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng

Tết “Pay tái”/”Pây tái” là tết truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Theo phong tục của người dân tộc Tày, Nùng, một năm có hai cái tết quan trọng đó là tết Nguyên đán và tết tháng Bảy.

Đồng bào Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng vằn so ất/ Bươn chất vằn slíp slí” (nghĩa là: Tháng Giêng tết Nguyên đán có ngày mồng 1 âm và tháng Bảy có ngày 14 âm). Đây là hai ngày tết quan trọng nhất. Ngày mồng 1 tháng Giêng là ngày cúng tổ tiên bên nội; ngày 14 tháng Bảy âm là dịp để con rể, cháu ngoại dâng lễ vật cúng tổ tiên bên ngoại, cũng là dịp để con gái sau khi đi lấy chồng trở về tri ân, báo hiếu công ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục.

Trong Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân, ở phần Đệ ngũ ân viết:
Tự mình nằm chỗ ướt
Chỗ ráo để xê con.
Hai vú phòng đói khát
Hai tay ủ gió sương.
Thâu đêm nằm chẳng ngủ
Nâng niu tựa ngọc vàng
Những mong con vui vẻ
Lòng mẹ mới được yên.

Tết “Pay tái” ẩn chứa những điều vô cùng thú vị liên quan đến đời sống tinh thần của người dân, và cũng là thể hiện sự quan tâm của gia đình thông gia bên nội đối với bên ngoại, của con rể đối với gia đình nhà ngoại. Tết “Pay tái” có ý nghĩa giáo dục truyền thống, giáo dục chữ “hiếu”, “nghĩa”; giáo dục sự bình đẳng; điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, xã hội; điều chỉnh quan niệm (nội, ngoại) tránh tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội phong kiến.

Vào ngày 14 tháng Bảy âm lịch hàng năm, các chàng rể Tày, Nùng sẽ sắm một đôi vịt béo cùng đầy đủ lễ vật, gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực để cùng vợ con đến nhà mẹ vợ dâng lên tổ tiên bên ngoại. Con gái sẽ ngủ lại một đêm cùng mẹ đẻ, để ngày mai – ngày rằm tháng Bảy âm lịch cùng ăn tết với gia đình, họ hàng bên ngoại.

Tết “Pay tái” – rằm tháng Bảy hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bà con dân bản luôn trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống nhân văn nhằm giáo dục con em hướng tới “chân – thiện – mỹ” và điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, xã hội; góp phần đẩy lùi các tư tưởng lệch lạc, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.

Một số hình ảnh đẹp trong lễ hội “Pay tái”

Tết “Pay tái”
Chàng rể mang lễ vật cùng vợ con đến nhà mẹ vợ dâng lên tổ tiên bên ngoại.
Ngày hội "Pay tái"
Ngày hội “Pay tái” thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhiều trò chơi dân gian trong tết “Pay tái"
Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong tết “Pay tái”.
Tết “Pay tái"
Du khách nước ngoài hào hứng xem tham gia ngày hội.
Tết “Pay tái"
Nhiều tiết mục văn nghệ dân gian hấp dẫn.

Đức Huấn/Ảnh: Duy Khánh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây