Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn phát triển sinh vật và môi trường rừng (thuộc Vườn Quốc gia Bến En) cho biết, năm 2022, cây lim xanh (tên khoa học là Erythrophleum fordii) được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cây có vị trí nằm cạnh tuyến đường tỉnh 520C, đoạn qua địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân).
“Khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX, trước khi có quyết định thành lập Vườn Quốc gia Bến En, khu vực cây lim di sản ngày nay là nơi khai thác chính của 2 lâm trường Như Xuân và Sông Chàng. Thời điểm đó, các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (lim xanh, gội) bị khai thác cạn kiệt. Cây lim xanh di sản là cây duy nhất còn sót lại, từng bị cắt một phần ở gốc. Do cây lim thuộc địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang và Tân Bình, nên từng xảy ra tranh chấp. Nhưng vì cuộc tranh chấp bất thành nên cây lim không bị đốn hạ, được bảo tồn đến tận ngày nay", ông Hải cho biết thêm.
Hiện, cây lim xanh trên đang được người dân và đội ngũ cán bộ thuộc Vườn Quốc gia Bến En bảo vệ nghiêm ngặt, cây còn được coi như là “báu vật” của địa phương bởi những giá trị to lớn.
Năm 2011-2013, Vườn Quốc gia Bến En đã thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển loài lim xanh. Theo đó, Vườn Quốc gia Bến En đã khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và thực hiện trồng mới hàng trăm ha rừng lim để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài.