Thời điểm hiện tại, việc khơi thông “đầu ra” cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vẫn là “bài toán” khó, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong tháng cuối cùng của năm 2021, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.
“Đầu ra” gặp khó
Anh Phùng Đắc Dũng, đại diện Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) - đơn vị có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”, cho biết: Cuối năm là thời điểm hợp tác xã liên kết với hàng trăm hộ dân trồng mùi già, sả, nghệ... để chế biến tinh dầu, tinh bột. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, hợp tác xã đã thông báo đến người dân, đề nghị giảm diện tích trồng cây nguyên liệu; mức sản xuất chỉ bằng 1/2 so với mọi năm.
Cùng cảnh ngộ, dù đã được chứng nhận sản phẩm OCOP “4 sao” nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể ngừng hoạt động, nên việc tiêu thụ sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” không thuận lợi như trước. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên chia sẻ: Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các cơ quan, đơn vị, các sàn giao dịch điện tử để tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm.
Đây cũng là khó khăn chung đối với nhiều chủ thể OCOP trong năm 2021. Trong khi đó, theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố Hà Nội là địa phương có số sản phẩm được công nhận nhiều nhất cả nước. Tính đến hết năm 2020 đã có 1.054 sản phẩm được UBND thành phố chứng nhận OCOP. Đến hết năm 2021, thành phố sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm được đánh giá, công nhận.
Mới đây, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị đã phải thu hẹp hoặc sản xuất “cầm chừng” bởi khó tiêu thụ sản phẩm. Những năm trước, thành phố tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương cho các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm tới tháng 10-2021, nhiều hoạt động quảng bá, kết nối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ. Các hình thức quảng bá trực tuyến (online), phát trực tiếp (livestream) mới chỉ phát huy hiệu quả phần nào...
Đẩy mạnh kích cầu, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Để khơi thông “đầu ra” cho sản phẩm OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nhâm Dần, thành phố đã đẩy mạnh các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô trong các tháng cuối năm. Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô. Hoạt động này nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn trong tiêu thụ để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Trong tháng 12 này, Sở tổ chức 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn bán hàng trực tuyến, trực tiếp các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, với thời gian 5 ngày/1 tuần hàng, tại các trung tâm thương mại trên địa bàn các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Chuỗi sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những tiện ích mua sắm, trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng Thủ đô, cũng như mở ra thêm cơ hội dành cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh...
Thực tế cho thấy, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP, bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại thì tổ chức các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đến nay đã phát triển được 35 điểm, phấn đấu đến cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu 1 điểm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương và thành phố Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, huyện có 103 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc lựa chọn, mở các điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm mang lại động lực sản xuất cũng như quyết tâm giữ vững chất lượng sản phẩm của các chủ thể OCOP.
Thời điểm hiện tại, thành phố, các huyện, thị xã đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các chủ thể. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Ngày 18-12 tới, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức “Lễ công bố nhãn hiệu bưởi Tam Vân - Ngày hội quảng bá sản phẩm OCOP, bưởi Phúc Thọ”; gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Vân Hà. Qua sự kiện, Ban tổ chức mong muốn góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy các sản phẩm - đặc sản của huyện, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh địa phương có thêm cơ hội kết nối với các đối tác, tìm thêm “đầu ra” cho các sản phẩm OCOP.
Theo Báo Hà Nội mới