STNN - Không phải là một công việc đơn giản, lấy mật ong Khoái ở rừng nguyên sinh là một nghề gian nan đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Những người lấy mật lành nghề phải vượt qua nhiều khó khăn, hiểm nguy để tìm ra tổ ong lẩn khuất giữa những cây cổ thụ hay bên vách đá hiểm trở.
Lấy mật ong là một nghề gian nan, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm
Xã Tân Hương (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) có địa hình chủ yếu là đồi núi bao phủ, rừng trồng xen lẫn giữa những cánh rừng nguyên sinh, với hệ động thực vật phong phú. Đây cũng là “ngôi nhà” của một loài ong mật có kích thước lớn, thường lựa chọn những cây cao để làm tổ. Đặc biệt, mật của loài ong này mang lại giá trị kinh tế rất cao bởi có tác dụng chữa trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, viêm họng,… Loài ong mà chúng tôi đang nói đến ở đây là ong Khoái hay tiếng địa phương gọi là ong Mây – một loài ong rất hung dữ và con người không thể bắt chúng về nuôi dưỡng để lấy mật như những loài ong khác. Mật của loài ong này có độ tuổi đến vài năm và được đàn ong bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Đầu tháng Tư, khi tiết trời nắng như đổ lửa của mùa hè đã thay thế vị trí của những cơn gió dịu mát mùa xuân, thì cũng là lúc những người thợ lấy mật ong rừng (ong Khoái) ở xã Tân Hương gác lại công việc đồng áng thường ngày để cùng nhau đi sâu vào những cánh rừng nguyên sinh, tìm những tổ ong Khoái để lấy mật. Có dịp được về xã Tân Hương, theo chân những người thợ lành nghề trong chuyến đi lấy mật ong rừng đầu mùa, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả, những hiểm nguy trực chờ của nghề lấy mật ong.
Anh Trần Thu, trú tại thôn Tân Nhân (xã Tân Hương), một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề lấy mật ong rừng cho biết, nghề lấy mật ong rừng không hề đơn giản, vì ngoài những hiểm nguy trực chờ thì việc nhanh nhạy trong quá trình định hướng để tìm ra tổ ong là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công hay không của chuyến đi. Muốn tìm được tổ của loài ong Khoái, người lấy mật phải men theo những con suối nơi không rợp bóng cây để quan sát bầy ong thợ đi lấy nước; khi ong lấy nước xong bay về tổ, theo hướng ong bay, có thể xác định được hướng của tổ ong. Theo tập tính, ong rừng sẽ chọn những chạc cây cổ thụ hay các vách đá để làm tổ, nên những người đi tìm mật có thể dựa theo hướng bay của ong và xác định các điểm ong có thể làm tổ để tìm ra tổ ong.
“Ong rừng thường làm tổ ở những cây cổ thụ, những vách đá, vị trí ong chọn làm tổ thường rất khó khăn và hiểm trở, điều này đồng nghĩa với việc để lấy được mật ong người thợ phải hết sức cẩn trọng trong quá trình lấy mật, tuyệt đối không thể để xảy ra một sai lầm nào, dù là nhỏ nhất, nếu không sẽ phải trả cái giá rất đắt, thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng”, anh Thu chia sẻ thêm.
Nghề mang lại thu nhập nhưng luôn có những hiểm nguy trực chờ
Chính vì những khó khăn, gian nan của nghề lấy mật ong rừng, nên trong mỗi chuyến đi thường sẽ có từ 2 đến 3 người thợ cùng đi chung để có thể hỗ trợ lẫn nhau. Quá trình lấy mật, những người thợ luôn đảm bảo không làm ảnh hưởng xấu đến đàn ong. Để lấy được mật ong Khoái, người thợ thường tạo khói từ những bó đuốc bên trong buộc lá tươi để xua đàn ong khỏi tổ, làm như vậy để hạn chế việc đàn ong bị chết. Đồng thời, lúc lấy mật ong xong, tầng sáp cũng được giữ lại để đàn ong tái tạo nhanh hơn.
Mật ong rừng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Mật ong “săn” được ở trong rừng sâu thì lại càng quý hơn nữa, bởi có thể giúp làm tăng sức dẻo dai cho cơ thể và có tác dụng giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn, an thần, chữa được các bệnh về đường hô hấp, ho, viêm thanh quản... Chính vì vậy, mật ong rừng luôn được nhiều khách hàng săn đón ở mọi lúc mọi nơi, nhiều người còn ví mật ong lấy ở rừng sâu là “mật trường sinh”.
Hiện nay, mật ong rừng được bán với giá từ 450.000 – 500.000 đồng/lít. Cũng theo những người thợ lấy mật ong ở xã Tân Hương, đến mùa lấy mật ong rừng, nếu như gặp may mắn, họ có thể có thu nhập hàng chục triệu đồng. Là một nghề thời vụ mang lại thu nhập cao, tuy nhiên so với những vô vàn khó khăn mà người thợ lấy mật ong phải trải qua, phải đánh đổi thì cũng chẳng đáng là bao.
Ông Trần Minh Thiết, Trưởng thôn Tân Nhân (xã Tân Hương) chia sẻ: "Người dân trong thôn hầu hết là thuần nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Nghề lấy mật ong rừng mặc dù là một nghề thời vụ, nhưng lại mang lại giá trị kinh tế cao nên cũng phần nào hỗ trợ đời sống cho một số hộ dân trong địa bàn. Trên thị trường có rất nhiều loại mật ong, tuy nhiên để mua được mật nguyên chất - mà đặc biệt là mật ong từ rừng sâu thì không phải lúc nào cũng sẵn có. Do đó, ở xã Tân Hương, sau những chuyến đi của những người thợ lấy mật, các sản phẩm mật ong đều “cháy hàng” do nhu cầu của người mua ngày càng cao, chủ yếu là mua về sử dụng hay làm quà biếu cũng rất có giá trị."
Hoàng Nghĩa