Thị trường đường áp lực trước đà giảm mạnh của giá dầu thô

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, khiến cho chỉ số MXV-Index giảm mạnh từ mức đỉnh kể từ khi được công bố, xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây.

mía đường
Ảnh minh họa

Giá dầu giảm sâu tác động tới giá đường

Tâm lý chốt lời của giới đầu tư gia tăng khi nhiều hàng hóa đồng loạt lao dốc như nông sản và dầu thô. Dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở chỉ giảm nhẹ 5% về mức 5.600 tỷ đồng, và con số này vẫn tăng 30% so với mức trung bình của tháng 1.

Đáng chú ý, giá dầu điều chỉnh giảm sâu trong ngày hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giảm 3,55% xuống 92,07 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent giảm 3,32% xuống 93,28 USD/thùng.

Hai mặt hàng đường tiếp tục đánh mất những vùng giá quan trọng do sức ép từ đà giảm của dầu thô. Giá đường thô trên Sở ICE US giảm 0,5% về 17,87 cents/pound, và giá đường trắng trên Sở ICE EU cũng giảm 0,5% và không còn giữ được mức 500 USD/tấn. Trong số các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, thị trường đường đang là thị trường ảm đạm và giá có xu hướng giảm nhiều nhất.

Hiện nay, nguồn cung ở Ấn Độ và Thái Lan được dự báo tăng mạnh, trong khi triển vọng cho niên vụ 2022/23 của Brazil thấp hơn so với dự báo một chút, khiến giá đường mất đi sự hỗ trợ. Một cuộc thăm dò của nhà môi giới Marex đưa ra dự báo sản lượng mía trung bình ở vùng trung nam Brazil là 554 triệu tấn, thấp hơn một chút so với dự báo trung bình là 560 triệu tấn trước đó.

Xu hướng giảm của giá đường nội địa và nguy cơ mất chuỗi liên kết sản xuất

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 1 vừa qua, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất các loại hàng hóa phục vụ Tết (có sử dụng đường) giảm hẳn so với các năm khiến cho nhu cầu tiêu thụ đường xuống thấp. Tuy nhiên nguồn cung đường lại tăng vọt với xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau.

Từ cuối tháng 12 đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào tràn về với số lượng lớn và giá thấp hơn cả giá đường nhập khẩu. Nhóm này có dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản xuất từ các nước ASEAN, đồng thời đang được ồ ạt nhập về đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra còn đường nhập khẩu theo hạn ngạch 2021 cũng được đưa về khiến cho giá đường thị trường giảm hẳn so với tháng 12/2021.

Các nhà máy đường đã tăng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây và tăng chi phí qua các biện pháp hỗ trợ nông dân nhằm khôi phục trồng mới vùng nguyên liệu khiến giá thành đường tăng so với vụ trước hầu như không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường nhập khẩu, đành phải chấp nhận tồn kho.

Trong năm 2021, theo dữ liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam giảm từ 1,28 triệu tấn cùng kỳ xuống gần 370.000 tấn. Tuy nhiên, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN khác (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar) lên tới 864.976 tấn (gấp 4 lần so với năm 2020). Điều này cho thấy biện pháp áp thuế chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan tạm thời chưa phát huy được tác dụng.

Theo nhận định từ VSSA, đường sẽ tiếp tục tràn vào thị trường nội địa thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và gian lận thương mại ở biên giới Tây Nam, cộng với nguồn cung đường từ vụ ép 2021/22. Như vậy các nguồn cung dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 2 và các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Bên cạnh đó, giá đường cũng phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn). Chiều ngược lại, giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và sẽ dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Theo Nhân dân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây