Thời tiết cực đoan trên toàn cầu đã bắt đầu làm xáo trộn bàn ăn của chúng ta


STNN – Những ngày gần đây, chúng ta được chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có trên thế giới do biến đổi khí hậu gây ra. Trái đất nóng lên, cháy rừng thường xuyên, sông băng tan chảy, nguồn cung cấp điện bị thắt chặt; sản lượng nông nghiệp giảm, bàn ăn của nhiều gia đình bị xáo trộn.

Ngày 02/8, lá nho tại trang trại của một nhà máy rượu vang gần Bordeaux (Pháp) bị héo – Nguồn: Internet.

Pháp: Rượu nho thay đổi mùi vị

Bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại và những trận hạn hán lịch sử, nho ở nhiều vùng sản xuất của Pháp mùa hè năm nay chín sớm và phải thu hoạch vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Do phải thu hoạch trước thời điểm thu hái đúng vụ nên mùi thơm của nho chưa đạt đến độ đủ ủ rượu, rồi chưa kể sản lượng lại sụt giảm mạnh. Nho quá chín do nhiệt tạo ra cũng sẽ làm tăng độ ngọt và nồng độ cồn của rượu, điều này đã phá vỡ sự cân bằng của hương vị tổng thể.

Ý: Dầu ô liu có vị đắng

Hình minh họa – Nguồn: Internet

Faye Lottero một người nông dân Ý cho biết, nhiệt độ cao và hạn hán tiếp tục diễn ra nên quả ô liu năm nay nhỏ hơn đáng kể so với những năm trước. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch quả đặc hơn và có vị đắng. “Tôi không biết người tiêu dùng liệu có chấp nhận dầu ô liu đắng hơn không?”

Do nắng nóng và hạn hán, trang trại của Lottero rơi vào tình trạng khủng hoảng nước tồi tệ nhất từ trước đến nay. Các thiết bị thu nước mưa được lắp đặt trên mái nhà đều vô dụng, 4 bộ thiết bị bơm đang hoạt động hết công suất để hút nước ngầm lên mới có thể có được một ít nước để dùng. Theo số liệu của Hiệp hội Nông dân vừa và nhỏ Ý, hạn hán sẽ làm giảm khoảng 30% sản lượng lúa và gần 1/3 sản lượng rau quả của Ý.

Hungary: Hoa hướng dương khô héo

Theo thông tin từ báo chí Hungary, ở nhiều nơi trên đất nước này, những cánh đồng ngô đang khô héo, người nông dân bị thiệt hại nặng nề. Ở các vùng đồng bằng ở miền Trung và miền Đông Hungary, 300.000ha ngô và 200.000ha hoa hướng dương đã bị phá hủy do hạn hán. Chỉ tính riêng hai loại này, nông dân thiệt hại ít nhất 995 triệu Euro. Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary cho biết, thiệt hại năm nay sẽ lớn gấp đôi so với tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trong 10 năm qua.

Nhật Bản: Hơn 70 loại cây trồng bị ảnh hưởng

Theo khảo sát của Kyodo News, hơn 70 loại cây trồng trên khắp Nhật Bản đã bị suy giảm chất lượng hoặc sản lượng do ảnh hưởng của nhiệt độ cao. Cây lúa bị ảnh hưởng nhất (43 nơi), với các vấn đề như giảm năng suất và phấn gạo (một phần màu trắng, đục trong nhũ gạo ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của gạo). Và do nhiệt độ cao, kéo theo sự gia tăng số lượng sâu bệnh nên việc trồng lúa đang phải đối mặt với tình trạng sâu bệnh gây hại nặng hơn so với những năm trước.

Theo một nghiên cứu được Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Nhật Bản công bố vào tháng 7 năm ngoái, nếu nhiệt độ của Nhật Bản tiếp tục tăng, vào cuối thế kỷ 21 sản lượng gạo ở Nhật Bản có thể thấp hơn khoảng 20% so với cuối thế kỷ 20. Ngoài gạo, nho, lê, cà chua, cam và các loại trái cây khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Ấn Độ: Sản lượng lúa mì giảm nghiêm trọng

Nông dân Ấn Độ đang đóng bao lúa mì – Nguồn: Internet

Gulkind Singh, một nông dân ở bang Punjab (Ấn Độ), đang sản xuất từ khoảng 23-25 tạ lúa mì mỗi/1 mẫu Anh, năm nay sản lượng đã giảm xuống còn 14-15 tạ. Miền Bắc Ấn Độ trong năm nay, đã có một tháng Ba nóng nhất trong 122 năm qua. Các bang như Haryana, Punjab (2 bang này chiếm 1/4 sản lượng lúa mì của Ấn Độ) nhiệt độ lên tới 46-47 ° C. Nhiều nông dân ở các địa phương đã báo cáo, sản lượng thiệt hại lúa mì của họ đã giảm từ 20 đến 60%.

Trước các vấn đề này, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng các chính phủ cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật; người nông dân cũng cần cải thiện việc quản lý nước hiệu quả hơn và cố gắng trồng những giống mới trước đây bị bỏ qua nhưng thích nghi tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Carlo Piccinini, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Ý thừa nhận rằng, những vấn đề mà nông nghiệp gặp phải trong năm nay có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Thúy Lê (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây