'Thú vui' từ mua bán động vật hoang dã có thực sự vui?

Mua bán động vật hoang dã quý hiếm làm thú cưng đang trở thành trào lưu thu hút một bộ phận giới trẻ. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để sở hữu “thú cưng” đó mà không quan tâm đến những vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra, chẳng hạn nó có thể là vật làm lan truyền các bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ dịch Covid-19 như hiện nay.

Một cá thể mèo rừng bị bắt nhốt - Ảnh: ENV

Nuôi giữ động vật quý hiếm làm cảnh, thú cưng

Trào lưu nuôi thú cưng, thú cảnh có nguồn gốc động vật hoang dã của giới trẻ ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Giới trẻ hiện nay lấy việc thể hiện đẳng cấp, sự khác biệt và thỏa mãn sở thích kỳ lạ qua việc mua những động vật quý hiếm, hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao làm vật nuôi. Từ động vật trên trời (đại bàng, chim ưng, vẹt...), dưới đất (culi, cáo, mèo rừng, chồn...) hay dưới nước (cá sấu, rùa, rái cá...) họ đều sẵn sàng chi ra một số tiền rất lớn để sở hữu, miễn là động vật đó lạ, quý hiếm. Những người được mệnh danh là “chịu chơi” dường như đã bất chấp nguy hiểm, bất chấp nguy cơ bệnh tật.

Khoảng 20h ngày 29/11, tại khu vực thôn Hà Trai, Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, các lực lượng nghiệp vụ phát hiện Trần Công Hùng điều khiển xe ô tô bán tải màu đen, BKS 38C-149.01 có hành vi vận chuyển một cá thể sơn dương còn sống. Qua giám định, động vật nói trên là loài sơn dương có tên khoa học là Capricornis milneedwardsii, thuộc nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Ngày 30/11/2021, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã tuyên phạt 7 năm tù, phạt bổ sung 10 triệu đồng với ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1988, trú tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) về hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể kỳ đà vân.

Không gian mạng - “Chợ đen” buôn bán động vật hoang dã

Hiện nay, tình trạng buôn bán động vật hoang dã có dấu hiệu dịch chuyển lên không gian mạng. Các hội nhóm trên mạng xã hội (MXH) trở thành những khu “chợ đen” dành riêng cho hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nhập lậu, săn bắt được.

Các trang mạng xã hội công khai hoạt động mua bán động vật hoang dã - Ảnh: Internet

Các tay buôn ĐVHD từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều “dịch chuyển hàng hóa” lên không gian mạng với đủ loại thú rừng, gồm có nguồn gốc và cả loại nguy cấp được săn bắt từ tự nhiên.

Thời gian vừa qua, nở rộ hình thức quảng cáo, mua bán rầm rộ ĐVHD làm thú cưng, xuất hiện nhiều trên MXH Tik Tok. Nhiều video quay lại cảnh chơi đùa với rái cá, khỉ con được đăng để kích thích người xem mua hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Tội phạm về ĐVHD trên Internet ngày càng gia tăng, với các quảng cáo buôn bán ngà voi, bộ phận của hổ và các sản phẩm ĐVHD có giá trị cao khác đang tràn lan trên các trang buôn bán trực tuyến. Ngoài ra, trào lưu nuôi ĐVHD làm thú cưng cũng đang khiến các hoạt động buôn bán ĐVHD trực tuyến (đối với cả loài bản địa và loài ngoại lai) càng bùng nổ.”

Cần tiếp tục, nỗ lực hoàn thiện cơ chế, pháp luật

Nhà nước đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực hoàn thiện pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, giá trị của các điều luật sửa đổi chỉ có thể được chứng minh khi chúng được các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng một cách hiệu quả trong xử lý tội phạm về ĐVHD.

Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào sống trong khu vực có rừng về ý nghĩa và trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD; tuyên truyền từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tố giác tội phạm và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Dung: “Các cơ quan thực thi pháp luật và cả hệ thống tư pháp có thể tiếp tục chung tay xử lý nghiêm tội phạm về ĐVHD bằng cách áp dụng nhất quán và triệt để Bộ luật Hình sự cũng như giữ vững quyết tâm loại bỏ loại tội phạm này. Chỉ như vậy, hoạt động tội phạm về ĐVHD mới mất đi sức hút, từ đó dần bị loại bỏ khỏi xã hội.”

Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần nghiêm cấm các cơ sở phi thương mại buôn bán ĐVHD dưới bất kỳ hình thức nào, trừ việc trao đổi ĐVHD giữa các cơ sở được cấp phép như trao đổi giữa các vườn thú. Các vườn thú và các cơ sở phi thương mại được cấp phép phải bảo đảm ĐVHD tại cơ sở có nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Kêu gọi các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước kiên quyết thực hiện 3 không: không khoan nhượng, không thông cảm và không tư lợi trong các vụ án về ĐVHD. Các bạn trẻ cũng cần tìm hiểu để nâng cao ý thức bảo vệ ĐVHD, đồng thời nhận thức rõ về sự nguy hiểm của việc nuôi giữ ĐVHD để tránh những hiểm họa, rủi ro về sức khỏe.

Việt Anh