“Thung lũng Silicon” nông nghiệp của Hà Lan được hình thành như thế nào?

LTS - Hà Lan vốn là một quốc gia có nguồn tài nguyên nông nghiệp hạn chế, nhưng đã đạt được thành công đáng kinh ngạc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Thung lũng thực phẩm Hà Lan (Food Valley) là một “biểu tượng” trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và sáng tạo thực phẩm trên toàn cầu, được gọi là “thung lũng silicon” về công nghệ nông nghiệp. Mô hình phát triển nông nghiệp “biến bất lợi thành thuận lợi” của Hà Lan được thể hiện qua việc xây dựng Thung lũng thực phẩm, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp thực phẩm.

“Thung lũng Silicon” nông nghiệp của Hà Lan được hình thành như thế nào?
Nguồn: Internet
Khám phá thực tế xây dựng Thung lũng thực phẩm Hà Lan

Năm 2004, Đại học Wageningen ở Hà Lan, các doanh nghiệp liên quan và chính quyền tỉnh Gelderland chính thức đưa ra khái niệm Food Valley - Thung lũng thực phẩm, với mục đích sử dụng nguồn lực khoa học công nghệ nông nghiệp của Wageningen để thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển thực phẩm hàng đầu quốc tế.

Bằng cách thành lập “Quỹ Thung lũng thực phẩm” và công ty vận hành độc lập, Thung lũng thực phẩm tích cực xây dựng mạng lưới hợp tác sáng tạo giữa ngành công nghiệp – trường đại học – viện nghiên cứu, thu hút các yếu tố đổi mới sáng tạo và sản xuất tập trung nhanh chóng tại Thung lũng thực phẩm.

Hiện tại, Thung lũng thực phẩm có diện tích khoảng 32,36 km2, quy tụ hơn 200 tổ chức R&D nông nghiệp và thực phẩm, hơn 2.600 công ty liên quan, 10 trường dạy nghề và kĩ thuật, cùng một số tổ chức trung gian như chuyển giao công nghệ, trưng bày, khởi nghiệp và dịch vụ tài chính, với giá trị sản lượng hàng năm khoảng 65 tỷ USD. Cốt lõi của sự thành công đó có thể tóm tắt như 2 điều sau:

Đầu tiên: Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo hợp tác

Thung lũng thực phẩm Hà Lan đã xây dựng một hệ thống sinh thái sáng tạo hợp tác bao gồm các tổ chức nghiên cứu, mạng lưới chuyển giao tri thức và các cơ quan triển khai dịch vụ tri thức.

Tại Thung lũng thực phẩm, Đại học Wageningen phụ trách nghiên cứu cơ bản, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp thực nghiệm chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển, các trạm thực nghiệm thực hiện nghiên cứu ứng dụng. Sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và khái niệm chia sẻ cởi mở cho phép kiến thức mới nhất nhanh chóng được chuyển giao cho hoạt động sản xuất tuyến đầu, đồng thời các nhu cầu kĩ thuật mới nhất cũng có thể được phản hồi một cách kịp thời cho nghiên cứu khoa học tuyến đầu, đảm bảo ứng dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu khoa học và giải quyết kịp thời các vấn đề sản xuất, hình thành một chu trình hoàn chỉnh.

Thung lũng thực phẩm đã xây dựng một số lượng lớn trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và bứt phá, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng phát triển và tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi kết quả nghiên cứu và công nghệ thành hiện thực một cách thuận lợi.

Những trung tâm này giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ kết quả nghiên cứu và công nghệ thành hiện thực, kích thích mạnh mẽ sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp. Hiện tại, đã có hơn 600 nhà đầu tư, doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp đã tập trung tại đây.

Kế tiếp: Áp dụng chế độ quản lý thành viên để chia sẻ tài nguyên

Phương thức này cho phép họ chia sẻ các công nghệ chủ chốt, cơ sở vật chất tiên tiến, các chuyên gia, tài nguyên phòng thí nghiệm và những đổi mới tiên tiến với các doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu khoa học khác. Công ty Điều hành Thung lũng thực phẩm Hà Lan chịu trách nhiệm quản lý Thung lũng thực phẩm về mặt chuyên môn. Trách nhiệm chính của Công ty là hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các doanh nghiệp, bao gồm việc giúp các thành viên định vị bản thân, tìm kiếm đối tác và định hướng phát triển, tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi, cung cấp, kiểm tra và đào tạo, v.v..

“Thung lũng Silicon” nông nghiệp của Hà Lan được hình thành như thế nào?
Nguồn: Internet
Xu hướng quốc tế về xây dựng Thung lũng thực phẩm

Hiện nay, khái niệm về Thung lũng thực phẩm đang được giới thiệu và áp dụng trên khắp thế giới. Tương lai phát triển công nghệ thực phẩm và nông nghiệp nhanh chóng tiến theo hướng bền vững và hội nhập công nghệ, chủ yếu thể hiện ở ba xu hướng dưới đây.

Chuyển đổi sang nông nghiệp tuần hoản sinh thái: Khái niệm cốt lõi của nông nghiệp tuần hoàn sinh thái là làm cho sản xuất nông nghiệp và chu trình tự nhiên hài hòa, cùng tồn tại, giảm sự tác động đến môi trường và khí hậu, có 3 hướng phát triển chính như sau:

- Nông nghiệp chính xác: Với sự trợ giúp của các phương tiện khoa học và công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể quản lý chính xác tài nguyên nước, sản phẩm phụ và chất thải, nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm gánh nặng cho môi trường.

- Nông nghiệp thông minh về khí hậu: Tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các giống cây trồng có khả năng chịu được điều kiện khắc nhiệt để ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu và tăng trưởng dân số đặt ra.

- Tổ hợp nông nghiệp sinh thái: Dựa trên nền nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các hoạt động giải trí, dịch vụ cư trú, bảo tồn di sản lịch sử, đồng thời khai thác triệt để giá trị của cảnh quan đồng quê.

Tăng cường dinh dưỡng thực vật phẩm và sức khoẻ: Có 2 hướng trọng điểm trong tương lai là tạo ra thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh và chuyển đổi protein.

- Tạo ra thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh: Nông nghiệp trong tương lai phải chú trọng nhiều hơn về sự cân bằng dinh dưỡng và cá nhân hoá thực phẩm, để đáp ứng nhu cầu của các nhóm người khác nhau, việc tạo ra thực phẩm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe là biểu hiện của xu hướng này. Nó tích hợp kiến ​​thức từ nhiều lĩnh vực như: dinh dưỡng, khoa học thực phẩm và quản lý sức khỏe, nhằm phát triển các loại thực phẩm dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu cá nhân của người tiêu dùng.

- Chuyển đổi protein: Khám phá các nguồn protein đa dạng từ lâu đã nằm trong chương trình nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, các phương pháp mới như trang trại đại dương, trang trại côn trùng, nhà máy sản xuất thịt từ thực vật và thịt dựa trên tế bào dự kiến ​​sẽ định hình lại ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Số hoá và sự kết nối vạn vật: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, robot nông nghiệp và tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác ngày càng có tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Các xu hướng phát triển chính:

- Hệ thống sản xuất nông nghiệp thông minh: Ứng dụng rộng rãi của robot nông nghiệp và công nghệ tự động hoá, dự kiến sẽ đạt được khả năng gieo hạt, bón phân, tưới tiêu và thu hoạch chính xác, điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn giảm lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Giám sát chất lượng thực phẩm bằng công nghệ thông minh: Với sự trợ giúp của các phương tiện công nghệ như Internet of Things và blockchain, một hệ thống truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm hoàn chỉnh có thể được thiết lập để đạt được khả năng truy xuất nguồn gốc và giám sát đầy đủ quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm và các liên kết khác.

Thu Huyền (TH)