Nghiên cứu bẹ cây Móc (Caryota mitis L.) tạo chế phẩm cầm máu

STNN - Xuất huyết hay chảy máu là tình trạng máu thoát ra ngoài lòng mạch khi mạch máu bị tổn thương. Đây là một hội chứng bệnh lý gặp ở nhiều chuyên khoa lâm sàng như: nội khoa, truyền nhiễm, tiêu hoá, sản khoa, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, ngoại khoa...

Nghiên cứu bẹ cây Móc (Caryota mitis L.) tạo chế phẩm cầm máu

Cụ thể là trong các trường hợp chấn thương, phẫu thuật, hoặc bệnh lý liên quan đến rối loạn cầm máu như giảm chức năng tiểu cầu, giảm số lượng tiểu cầu, thiếu các yếu tố đông máu hoặc trong bệnh mạch máu ngoại vi, đặc biệt do tác dụng không mong muốn của các thuốc chống đông gây ra. Chảy máu kéo dài không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà trong nhiều trường hợp còn gây những hậu quả nặng nề, thậm chí nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây tử vong. Do vậy, việc điều trị cầm máu là một vấn đề hết sức quan trọng, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của các thuốc cầm máu.

Hiện nay chỉ có một vài thuốc cầm máu từ nguồn gốc hóa dược: calci clorid, vitamin K1, acid tranexamic, carbazochrom, ethamsylat… Bởi vậy việc nghiên cứu phát triển các thuốc cầm máu đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu vừa có hiệu quả và ít tác dụng không mong muốn là hướng nghiên cứu đúng đắn và vô cùng cần thiết. Bẹ Móc là một vị thuốc cầm máu được nhân dân ta sử dụng từ lâu và cho kết quả tốt. Tuy nhiên việc sử dụng này đơn giản chỉ là theo kinh nghiệm dân gian chưa có một nghiên cứu khoa học nào để kiểm chứng nên phạm vi áp dụng còn hạn chế. Qua một số nghiên cứu sơ bộ về tác dụng cầm máu trên thực nghiệm của bẹ và rễ cây Móc, nhóm đề tài nhận thấy chế phẩm thuốc cầm máu từ dược liệu này rất có tiềm năng để nghiên cứu phát triển.

Trên cơ sở tiếp nối các nghiên cứu bước đầu trên và định hướng nghiên cứu phát triển sản phẩm cầm máu từ bẹ Móc, PGS. TS. Đào Thị Vui cùng các cộng sự tại Trường Đại học Dược Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bẹ cây Móc Caryota mitis L. tạo chế phẩm cầm máu” nhằm nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng cầm máu của bẹ cây Móc; xác định được phân đoạn có tác dụng cầm máu tốt nhất; xây dựng được qui trình chiết xuất và bào chế cao khô, công thức và qui trình bào chế viên nang cứng từ cao chiết có tác dụng cầm máu tốt nhất của bẹ cây Móc; đánh giá độ ổn định của chế phẩm; bước đầu nghiên cứu định hướng cơ chế tác dụng cầm máu của cao khô; đánh giá tác dụng cầm máu và độ an toàn của chế phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu, cao khô và chế phẩm viên nang.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã đạt được những kết quả chính như sau:

1. Đã nghiên cứu được đặc điểm của dược liệu, định danh khoa học dược liệu bẹ Móc sử dụng cho nghiên cứu là Caryota mitis Lour Arecaceae.

2. Đã nghiên cứu thành phần hóa học của bẹ Móc, định tính các nhóm chất chính trong bẹ Móc, chiết xuất và phân lập được 2 chất 5-hydroxymethyl furfural và 4- hydroxy benzoic acid trong phân đoạn có tác dụng cầm máu tốt nhất (phân đoạn ethyl acetat), Xây dựng được phương pháp định lượng đồng thời 2 chất này trong bẹ Móc bằng phương pháp HPLC – UV. Thẩm định phương pháp. Từ đó, xây dựng được tiêu chuẩn cho dược liệu bẹ Móc.

3. Đã nghiên cứu chiết xuất, chọn được dung môi chiết, phương pháp chiết, xây dựng được qui trình chiết xuất dược liệu với qui mô phòng thí nghiệm rồi nghiên cứu cải tiến, nâng cấp lên qui mô 20 kg dược liệu/ mẻ. Xây dựng được qui trình sản xuất cao khô bẹ Móc. Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho cao khô bẹ Móc phù hợp với hướng dẫn của Dược điển Việt Nam V.

4. Đã nghiên cứu và xây dựng được công thức bào chế và qui trình sản xuất viên nang bẹ Móc có tác dụng cầm máu với hàm lượng cao khô bẹ Móc 500mg/ viên qui mô 5000 viên, xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm viên nang bẹ Móc và đánh giá độ ổn định của viên nang phù hợp với hướng dẫn của Dược điển Việt Nam V.

5. Đã nghiên cứu tác dụng cầm máu của các cao chiết, giúp lựa chọn dung môi chiết xuất và phương pháp chiết xuất phù hợp, định hướng cho nghiên cứu phân lập các marker từ phân đoạn có tác dụng tốt nhất. Đề tài cũng đã thực hiện được các nghiên cứu từ đó định hướng cơ chế tác dụng cầm máu của bẹ Móc theo hướng tác động vào yếu tố thành mạch chứ không phải yếu tố đông máu hay tiểu cầu. Viên nang từ cao khô bẹ Móc đã được chứng minh tác dụng cầm máu và đánh giá độc tính trên thực nghiệm cho kết quả rất khả quan, mở ra tiềm năng tiếp tục phát triển chế phẩm cầm máu từ dược liệu bẹ Móc.

Lần đầu tiên bẹ cây Móc được nghiên cứu đầy đủ bài bản để tạo ra một sản phẩm dùng làm thuốc cầm máu. Chế phẩm nghiên cứu được bào chế dạng viên nang dễ sử dụng cho đông đảo người bệnh. Cao bẹ Móc và viên nang bẹ Móc có tác dụng cầm máu trên các mô hình dược lý thực nghiệm và có độ an toàn cao. Bẹ Móc có triển vọng làm thuốc cầm máu hiệu quả, an toàn. Từ kết quả thu được, nhóm đề tài mong muốn được tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện các qui trình chiết xuất, bào chế và sản xuất để đưa kết quả của đề tài ứng dụng vào thực tiễn; tiếp tục đánh giá hiệu quả và tính an toàn của chế phẩm trên lâm sàng, sớm chuyển giao công nghệ sản xuất …Đồng thời, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu thêm về phân lập chất có hoạt tính và nghiên cứu cơ chế tác dụng cầm máu mức độ tế bào, phân tử cũng như ứng dụng tác dụng cầm máu của bẹ Móc với đường dùng tại chỗ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20036 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo: vista.gov.vn