Trong những năm gần đây, nhiều người biết đến vợ chồng ông Phan Văn Nam, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình qua những việc mà vợ chồng ông đã làm được: bảo vệ rừng dẻ quê hương bằng tất cả tình yêu thiên nhiên, bằng trái tim gắn bó với rừng.
Yêu rừng đến kỳ lạ
Những người dân Quảng Trạch (Quảng Bình) xa quê lâu năm chắc hẳn trong tâm trí không bao giờ quên được cánh rừng dẻ gắn với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ. Và chắc chắn sẽ hụt hẫng lắm nếu sau bao năm xa quê, nay trở về, qua cánh rừng tuổi thơ mà thấy cảnh xưa không còn, thay vào đó là cánh rừng bị khai thác đến kiệt cùng.
Nhưng, không! Mọi người sẽ vỡ òa vì vui sướng và ngạc nhiên! Rừng dẻ tuổi thơ của họ tuy có già đi theo năm tháng nhưng “già mà không già” bởi lớp lớp cây mới đã mọc lên tốt tươi bên những gốc cây già, sẵn sàng thay thế và giữ vẹn nguyên màu xanh của cánh rừng. Một rừng dẻ đẹp như trong ký ức vẫn vẹn nguyên. Những cây dẻ cổ thụ vẫn đứng sừng sững, mạnh mẽ trước sự bao sự đổi thay. Rừng vẫn bạt ngàn một màu xanh.
Để có được thành quả ấy, để giữ được rừng dẻ xanh bạt ngàn, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã trải qua biết bao gian khó, nỗ lực bảo tồn và gìn giữ rừng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong những người dân ngày đêm trồng và bảo vệ rừng đó, phải nhắc đến vợ chồng ông Phan Văn Nam - cặp vợ chồng yêu rừng đến kỳ lạ đã kiên trì, lặng lẽ ngày đêm bám trụ với rừng. Nhiệt huyết với công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, không vụ lợi về kinh tế để bảo vệ rừng như vợ chồng ông thì không nhiều người làm được. Phải có đủ tình yêu, sự tận tậm với rừng, coi rừng như một phần của cuộc sống và “thuận vợ thuận chồng” thì mới vượt qua được những khó khăn trong suốt một hành trình dài như vậy.
Hành trình trồng rừng và giữ rừng bền bỉ suốt 30 năm được ông Nam kể lại rất nhẹ nhàng, giản dị. Cách đây 30 năm, ông cùng người anh lên khai hoang đất vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Do nhà gần rừng nên ông được chính quyền xã giao bảo vệ 12ha rừng dẻ. Hàng ngày, ngoài công việc phát triển trang trại, ông thường xuyên đi tuần để bảo vệ rừng. Dù vất vả, hiểm nguy nhưng vì trách nhiệm được giao, ông vẫn quyết tâm bám trụ để bảo vệ rừng. Ngoài tinh thần trách nhiệm, ông Nam còn dành tình yêu đặc biệt cho cây cối. Không chỉ cây ở rừng, mà ngay cả cây trong vườn nhà, khi có việc cần đốn thì ông và vợ cũng phải đắn đo lắm, nhiều khi còn không dám chặt, cứ thấy tiếc và như có điều gì đó trong thâm tâm ngăn cản vợ chồng ông dừng lại…
Ông Nam chia sẻ, công việc bảo vệ rừng vất vả, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng tình yêu, trách nhiệm với rừng dẻ chính là động lực để ông gắn bó với rừng suốt gần nửa đời người nơi đây. Đặc biệt, ông luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ vợ trong suốt những tháng năm gắn bó với rừng. Rừng dẻ dần được tái sinh, ngoài trách nhiệm và công sức của tổ bảo vệ rừng của xã, còn có sự tham gia của những người lên làm kinh tế mới lúc bấy giờ, trong đó có ông và bà con chòm xóm.
Thập niên 80 của thế kỷ trước, chính quyền nơi đây đã có chính sách thu hút các hộ dân vào rừng làm kinh tế mới và hiện có khoảng 60 hộ dân theo diện lên phát triển kinh tế mới ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu vẫn còn bám trụ lại cho đến ngày hôm nay. Không chỉ riêng vợ chồng ông Nam mà còn nhiều hộ dân khác dù không được phân công trực tiếp nhưng vẫn tự nguyện ngày ngày tham gia bảo vệ rừng. Mỗi khi có người lạ vào rừng hoặc khi có kẻ đến phá rừng, nếu không ngăn chặn được thì ngay lập tức ông và bà con sẽ báo cho chính quyền sở tại để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Yêu rừng, rừng đáp đền và tình yêu đó được nhân lên mãi…
Hơn 30 năm gắn bó với rừng dẻ, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Nam cùng những người dân khác vẫn ngày ngày đi tuần, bảo vệ rừng. Đến hôm nay, không phụ công người, rừng dẻ ngày càng xanh tốt. Dưới tán rừng dẻ, bây giờ nhiều hộ cũng đã thoát nghèo và có kinh tế khá giả. Những tháng cuối thu, đầu đông là mùa thu hoạch hạt dẻ. Lúc này hạt dẻ đã cứng cáp, có màu nâu bóng, nhẵn, tự nứt ra khỏi lớp vỏ gai nhọn, rơi xuống đất. Vợ chồng ông Nam, người dân Quảng Lưu và khu lân cận được vào rừng khai thác hạt dẻ, đó cũng là một nguồn thu đáng kể.
Ông Nam tâm sự, trước đây, mỗi mùa dẻ chín, gia đình ông vào rừng nhặt hạt dẻ về bán, mỗi mùa cũng được chừng mấy chục tạ, bán được hàng chục triệu đồng. Gia đình ông có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay là nhờ vào thu hoạch hạt dẻ rừng, rồi sau tích lũy được vốn, phát triển trang trại. Nhờ cây dẻ, gia đình ông thoát nghèo và kinh tế dần dần ổn định, khấm khá. Nguồn thu của gia đình ông còn đến từ việc nuôi gần 50 đàn ong lấy mật vào mùa hoa dẻ, từ việc trồng và thu hoạch 200 gốc tiêu, việc chăn nuôi bò và đào ao thả cá…
Rừng dẻ không những mang lại nguồn lợi về kinh tế cho người dân địa phương mà còn đóng vai trò giữ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Yêu rừng, rừng đáp đền và tình yêu đó cứ nhân lên mãi trong lòng mỗi người dân Quảng Lưu.
Tùng Gia