STNN – Lễ hội với nhiều loại cá cảnh độc đáo, lạ, đẹp mắt... là cơ hội để các hợp tác xã, tổ hợp tác, nghệ nhân, hộ nuôi... giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá cảnh và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho người nuôi cá cảnh.
- Lâm Đồng: Chi 964 triệu đồng hỗ trợ cấp 8 giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ
- Đến phiên chợ “Hành động xanh” mua bán đồ cũ và sống xanh
Sáng 27/5, tại Nhà văn hóa Thanh niên (Quận 1, TP.HCM), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (Sở NN & PTNT) cùng Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM đã chính thức tổ chức khai mạc Lễ hội cá cảnh TP.HCM năm 2023. Đây là lễ hội được tổ chức bài bản và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Tại lễ hội, có 20 gian hàng đến từ các cơ sở sản xuất cá cảnh trong nước và một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia… với quy mô hơn 1.800 hồ trưng bày cá cảnh. Rất nhiều loại cá cảnh độc đáo, lạ, đẹp mắt, như: cá vàng, cá la hán, cá bảy màu, cá xiêm, cá dĩa, cá rồng… quy tụ, thu hút nhiều người dân, khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Theo Ban tổ chức, lễ hội tổ chức Hội thi cá cảnh lựa chọn ra những dòng cá cảnh chất lượng tốt, khuyến khích nghệ nhân nâng cao kỹ thuật trong lai tạo giống mới, thúc đẩy phong trào nuôi cá cảnh tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, lễ hội là cơ hội để đẩy mạnh công tác tuyển chọn và nhân giống, nâng cao chất lượng cá cảnh; nâng cao giá trị kinh tế cho các cơ sở, đơn vị, người nuôi cá cảnh, góp phần đưa TP.HCM trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và cung cấp giống cá cảnh chất lượng cao cho các tỉnh, thành phố cả nước và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã, tổ hợp tác, nghệ nhân, hộ nuôi cá cảnh… giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá cảnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho người nuôi cá cảnh.
Theo thống kê, tổng diện tích nuôi cá cảnh tại TP.HCM hiện nay khoảng 90ha với gần 300 cơ sở và hộ nuôi. Thị trường xuất khẩu cá cảnh chủ yếu của TP.HCM là thị trường châu Âu, chiếm đến 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, cá cảnh là một trong 6 ngành chủ lực của thành phố. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cung ứng đang có sự sụt giảm. Cụ thể, số lượng cá cảnh sản xuất bốn tháng đầu năm 2023 đạt hơn 37 triệu con, giảm 11% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, số lượng cá cảnh xuất khẩu hơn 4 triệu con, tương ứng giá trị 4,3 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến sản lượng giảm do nhiều hộ nuôi ở TP.HCM thu hẹp diện tích vì ảnh hưởng của lạm phát, sức mua yếu, kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tại TP.HCM, ngày 16/4/2023, Ban Chấp hành Chi Hội cá cảnh đã chính thức ra mắt với 16 thành viên, bao gồm các cá nhân, đơn vị có chứng chỉ ngành nghề về chương trình thủy sản nói chung và cá cảnh nói riêng. Những nghệ nhân cá cảnh do Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam quản lý.
Đội ngũ thành viên Ban Chấp hành luôn nhiệt huyết với nghề, đã cùng nhau thống nhất đề ra những định hướng phát triển là: sẽ xây dựng nhiều nguồn lực mạnh mẽ, năng động về kiến thức, kỹ năng mới, để trở thành những thành viên có vai trò nòng cốt, xây dựng và phát triển thương hiệu cá cảnh Thành phố nói riêng và cả nước nói chung theo con đường xuất khẩu, hiện đại.
Đồng thời, sẽ chung tay xây dựng cá cảnh là sản phẩm nông nghiệp TP.HCM thu hút khách tham quan quốc tế đến với Việt Nam tham quan, trao đổi, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng cá cảnh ngày một gia tăng. Qua đó, sẽ xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt Nam trở thành lĩnh vực xuất khẩu với nhiều nước trên thế giới, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp; điều đó góp phần khẳng định nông nghiệp là ngành “trụ đỡ” kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Anh Đức