“Trại Cốc” – Thung lũng xanh giữa đại ngàn

STNN – Là một xã miền núi của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Tân Hương được biết đến với địa hình lòng chảo được bao quanh bởi núi rừng, nơi đây như một thung lũng xanh giữa đại ngàn hùng vĩ.

Trại Cốc là tên gọi sơ khai của xã Tân Hương trước kia. Sau khi được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/02/1968, thì cái tên Tân Hương được chính thức có mặt trên bản đồ hình chữ S, với tổng diện tích tự nhiên 1606,3ha.

Tân Hương xưa được gọi là làng Ngụ Khê, thuộc tổng Du Đồng. Tương truyền, vào thời nhà Nguyễn, lành có khoảng 800 dân (hiện nay, vẫn còn vết tích để lại), nhưng rồi người dân phiêu tán hết vào cuối thế kỷ XIX. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, có hai ông là Giàng và Cấn chiêu dân vào lập ấp sinh sống, nhưng sau đó bị giặc Pháp bắt. Về sau, một số cư dân các xã lân cận vào khai hoang, lập trại sản xuất gọi là Trại Cốc.

Đầu những năm 60, thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế miền núi của Đảng, Tân Hương trở thành điểm đến của dân vùng ngoài đê La Giang di cư vào lập nghiệp. Đến cuối năm 1967, Tân Hương có 187 hộ với 1.050 nhân khẩu. Ngày 15/02/1968, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập xã, lấy tên là Tân Hương. Đến nay, xã có bốn thôn, gồm: Tân Thành, Tân Quang, Tân Lộc và Tân Nhân; với các dòng họ chính: họ Trần, họ Lê, họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Bùi, họ Phan, họ Dương…

Người dân Tân Hương chủ yếu gốc từ hai xã Đức Nhân và Đức Quang vào khai hoang lập nghiệp, xây dựng và phát triển kinh tế. Vậy nên, người dân xã Tân Hương cũng như nhân dân trong toàn huyện Đức Thọ luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có 15 người con Tân Hương ngã xuống vì sự độc lập thống nhất của dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà.

Nhân dân Tân Hương luôn cần cù chịu thương, chịu khó. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, xã Tân Hương đã có những bước phát triển đáng kể, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng hoàn thiện, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, ở xã Tân Hương, hộ nghèo chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi.

Với địa hình đồi núi, nên Tân Hương thuận lợi cho việc phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại cũng như trồng rừng. Song, bên cạnh đó, Tân Hương cũng gặp không ít khó khăn do cách xa trung tâm huyện, đi lại không thuận tiện nên việc tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều bất cập.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay, hệ thống giao thông đang ngày được nâng cấp, thuận lợi cho quá trình đi lại, giao thương của người dân và từng bước thúc đẩy kinh tế xã nhà phát triển.

Với sự phát triển không ngừng đó, hiện nay, Đảng bộ, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân xã Tân Hương đang không ngừng cố gắng xây dựng và phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của bà con nhân dân. Nhiều mô hình kinh tế đã ra đời dựa trên những lợi thế sẵn có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất màu mỡ này. Với những thay đổi theo thời gian, Tân Hương đang khoác lên mình diện mạo mới của một miền quê đáng sống.

Hoàng Nghĩa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây