Từ vốn vay đến giá trị bền vững: Agribank “tiếp lửa” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển dài hạn

STNN - Kiên định với sứ mệnh đồng hành cùng kinh tế tư nhân, Agribank không ngừng mở rộng cung cấp tín dụng, tư vấn và dịch vụ tài chính, góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Agribank luôn tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

Trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Ngày nay, kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột thiết yếu, chiếm gần 50% GDP, tạo ra hơn 80% việc làm trong nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cũng như phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.

agribank-1747021139.jpg

Với vai trò then chốt đó, ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 68 xác định, kinh tế tư nhân đã được khẳng định vai trò quan trọng. Nghị quyết nêu rõ sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các rào cản, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng để khu vực tư nhân phát triển hiệu quả và bền vững. Nghị quyết không chỉ nhấn mạnh về mặt định hướng chính sách mà còn đặt ra yêu cầu cụ thể đối với hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và cả hệ thống ngân hàng, tài chính, trong đó có vai trò quan trọng của các ngân hàng thương mại trong việc tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển.

agribank-2-1747021195.jpg
Agribank luôn tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Agribank, với vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Dẫn chứng từ chính hoạt động tín dụng của Agribank, bà Bình cho biết, hiện tổng dư nợ của ngân hàng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 60% được phân bổ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân – nhóm khách hàng chủ yếu là hộ kinh tế tư nhân. Đặc biệt, trong gần 500.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân, có tới 90% thuộc về doanh nghiệp tư nhân.

“Từ những con số cụ thể này có thể thấy rõ cam kết và định hướng nhất quán của Agribank trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển” – bà Phùng Thị Bình nhấn mạnh.

agribank-3-1747021247.jpg

Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, đặc biệt là sổ sách kế toán, đồng thời củng cố năng lực quản trị. Đây là điều kiện để ngân hàng đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và mức độ tin cậy của doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng đồng hành và cung cấp nguồn vốn phù hợp.

Về phía tổ chức tín dụng, Agribank khẳng định luôn dành nguồn lực hỗ trợ kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, năm 2024, ngân hàng đã triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi, phần lớn trong số đó hướng đến nhóm khách hàng thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

“Ngay từ đầu năm 2025, chúng tôi đã đưa vào triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều nhóm đối tượng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực then chốt như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Agribank cũng mở rộng cho vay tiêu dùng và hỗ trợ hộ kinh doanh”, bà Bình cho biết. “Điều này thể hiện rõ vai trò của Agribank trong việc tiếp sức cho các động lực tăng trưởng kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã xác định.”

Theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao, trong năm 2025 Agribank được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13%, tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào lưu thông. Trong số vốn này, Agribank xác định chủ yếu sẽ cho vay với khách hàng là khối kinh tế tư nhân.

Đánh giá về nguồn tín dụng của Agribank trong tín dụng tư nhân, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD cho rằng, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, với mạng lưới rộng khắp và định hướng chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nông thôn. 

agribank-4-1747021279.jpg

Trong tín dụng tư nhân, vai trò của Agribank thể hiện rõ qua việc hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp nông nghiệp. Thực tế cho thấy, Agribank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay khu vực nông thôn lớn nhất, chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Đây là khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nông thôn Việt Nam. Tiếp đó là việc góp phần xóa đói giảm nghèo. Thông qua các chương trình cho vay ưu đãi (chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ), Agribank giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn để thoát nghèo và phát triển kinh tế. 

“Mạng lưới chi nhánh của Agribank phủ tới vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng trong phổ cập dịch vụ tài chính cho tất cả người dân, kể cả những người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa” - Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm đánh giá.

Chuyển mình nhờ nguồn vốn

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông Lê Văn Bình - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nga Hải, đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ nhà màng Israel để trồng dưa lưới - kể lại một dấu mốc không thể quên trong cuộc đời: năm 1993, nắm bắt cơ hội từ chính sách đổi mới, ông cùng một số trang trại khác liên kết thành lập HTX và tìm đến Agribank để vay vốn phát triển sản xuất.

“Lúc đó, Giám đốc Agribank chi nhánh Nghi Xuân là ông Nguyễn Sỹ Hàn trực tiếp về thẩm định. Thấy trang trại khi ấy chỉ là vùng đất hoang sơ, lau lách mọc um tùm, ông Hàn vừa cảm phục, vừa trăn trở mà nói: 'Anh Bình ơi, không cho anh vay thì chúng tôi sẽ đánh mất một người "chiến sĨ cộng sản" - vì sợ người lính không ngại khó, không ngại khổ như anh nản chí. Mà cho anh vay thì không biết khi mô ngân hàng lấy lại được tiền. Nhưng tôi tin vào một người chiến sĩ như anh, tin anh sẽ làm được, nên Agribank sẽ cho vay tín chấp’. Tôi biết sau đó chi nhánh đã họp đi họp lại rất nhiều lần, cuối cùng quyết định “phá rào” để duyệt khoản vay tín chấp 100 triệu đồng vì cần những người dám đột phá để xây dựng quê hương”, ông Bình xúc động nhớ lại.

Thời điểm năm 1993, khi mà những khoản vay phổ biến của người dân chỉ dao động từ 500 nghìn đến vài triệu đồng, thì khoản vay 100 triệu đồng của ông Bình - tương đương hàng chục lượng vàng lúc bấy giờ là một khoản vay lớn. Ông kể, phải dùng đến hai bao tải để đựng tiền, chở về nhà và giấu dưới gầm giường, bởi khi ấy tiền chủ yếu là mệnh giá 5.000 đồng.

agribank-5-1747021377.jpg

Chính hai bao tải tiền ấy đã thay đổi cuộc đời ông - từ một nông dân khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng trở thành người tiên phong dẫn dắt phong trào sản xuất nông nghiệp hiện đại trên địa bàn. Cũng nhờ tầm nhìn và sự táo bạo đó, huyện Nghi Xuân đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Ông Bình không chỉ làm giàu cho mình mà còn truyền cảm hứng cho hàng trăm hộ dân khác trong vùng.

Từ khoản vay đầu tiên ấy, ông Bình đã đồng hành cùng Agribank suốt 32 năm. Tất cả các dự án lớn nhỏ của HTX Nga Hải - từ chăn nuôi, trồng nho đến đầu tư nhà màng trồng dưa lưới đều có sự đồng hành về vốn từ Agribank.

“Hiện nay, gia đình tôi vẫn còn dư nợ 7 tỷ đồng tại Agribank. Suốt mấy chục năm qua, HTX cũng chỉ quan hệ tín dụng duy nhất với Agribank, bởi đây là ngân hàng hiểu nông dân nhất, hiểu cả cơ hội và rủi ro đặc thù của nông nghiệp, mong muốn nông dân làm giàu và cũng chấp nhận rủi ro của nông dân", ông Bình tâm sự.

Cũng chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông Hoàng Văn Long - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Biển Quỳnh (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), chia sẻ ông bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018 với vô vàn khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề vốn. Các thành viên sáng lập phải góp sức rất lâu mới huy động được 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm thiết bị ban đầu. Mong muốn đưa sản phẩm của quê hương ra thị trường cả nước dường như rất gian nan khi không có vốn để nhập hàng.

“Cánh cửa cơ hội thực sự mở ra khi Biển Quỳnh tiếp cận được nguồn vốn vay từ Agribank. Thời điểm đó, ông Hồ Văn Hảo - Giám đốc Agribank chi nhánh Hoàng Mai, nay là Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An - đã trực tiếp đến tìm hiểu tình hình, động viên và hướng dẫn chúng tôi xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp. Ngay sau đó, Agribank đã giải ngân khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu đồng”, ông Long nhớ lại.

Sau 7 năm được Agribank đồng hành, Biển Quỳnh từng bước phát triển vững chắc. Các sản phẩm thủy hải sản như cá, tôm... không chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn có mặt trong các chuỗi siêu thị lớn và khắt khe như BigC, Lotte… Đặc biệt, vào tháng 5/2024, sản phẩm của Biển Quỳnh đã chính thức được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc), đánh dấu bước tiến lớn trên hành trình đưa thương hiệu địa phương vươn tầm thế giới.

Ông Long cho biết hiện doanh nghiệp đang triển khai dự án mở rộng sản xuất, với kế hoạch xây dựng nhà xưởng rộng 1,7 ha, tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 40 tỷ đồng. “Muốn làm ăn lớn, bài bản và chuyên nghiệp, doanh nghiệp tư nhân không thể thiếu sự đồng hành của ngân hàng. Với chúng tôi, Agribank vẫn luôn là đối tác đồng hành trên từng bước phát triển”, ông Long khẳng định.

Phạm Giang