Về miền biên viễn Bình Liêu

Những năm gần đây, nhắc đến Bình Liêu, người ta không chỉ còn nghĩ về một vùng đất biên giới, với 96% đồng bào dân tộc thiểu số mà còn nhắc đến một địa điểm du lịch ưa thích của du khách mỗi độ Thu về.

Hình ảnh “sống lưng khủng long” tại Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Thanh Huyền)

Đến Bình Liêu vào giữa tháng Chín – thời điểm được xem là đẹp nhất trong năm, vùng đất biên giới này đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên.

Vẻ đẹp hoang sơ
Bình Liêu là huyện miền núi cao, có vị trí nằm ở khu vực phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Phía Bắc của Bình Liêu giáp với huyện Ninh Minh (Quảng Tây, Trung Quốc); phía Tây giáp huyện Đình Lập (Lạng Sơn), phía Đông giáp huyện Hải Hà (Quảng Ninh) và phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với mảnh đất này chính là vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp hữu tình và cuộc sống êm đềm, giản dị, giàu tình người của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều bất ngờ nhất có lẽ là mảnh đất tưởng như bình dị này lại này lại rất giàu tiềm năng du lịch.

Trải nghiệm thú vị của chúng tôi là khám phá cung đường tuần tra biên giới đẹp như tranh và đến thăm những cột mốc linh thiêng. Do có địa hình giáp với Trung Quốc, Bình Liêu có những cột mốc nằm trên cung đường biên giới độc đáo dài gần 50km quanh co, hiểm trở.

Bình Liêu có 64 cột mốc, nhưng chúng tôi chọn khám phá 4 cột mốc nổi bật nhất là 1300, 1302, 1305 và 1327. Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển, uốn lượn trên những quả đồi thơm nức mùi nhựa thông.

Trong đó, cột mốc 1305 là đỉnh cao khó chinh phục nhất và là điểm đến kích thích phượt thủ nhất khi đến Bình Liêu. Đường tới cột mốc này vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Chúng tôi phải di chuyển trên những con đường mòn trên đỉnh núi, nối các điểm mốc với nhau và tạo thành gạch nối, hai bên là sườn núi dốc, với gần 2000 bậc thang. Cũng vì địa hình đặc biệt của như thế mà quãng đường này còn được gọi là “sống lưng khủng long”.

Tuy nhiên, khi chinh phục được con đường này, đến cột mốc 1305, chúng tôi được thấy một Bình Liêu thu nhỏ trong tầm mắt, được chiêm ngưỡng toàn cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp của rừng núi nơi đây.

Người dân bản địa còn mách chúng tôi rằng, nếu đến Bình Liêu, đặc biệt là tới cột mốc 1305 vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thiên đường cỏ lau đẹp mãn nhãn.

Với những ngọn núi đẹp, địa hình thuận lợi như Cao Ly, Cao Xiêm, Cao Ba Lanh, Bình Liêu là điểm cắm trại được nhiều du khách lựa chọn. (Ảnh: La Lành)

Thời tiết mùa Thu ở Bình Liêu khá thú vị. Sáng sớm thức thức dậy trong bầu không khí se lạnh, sương giăng kín. Ban ngày sẽ được đón nắng ấm, dịu dàng và đến chiều tà lại có mưa phùn nhẹ.

Hai ngày tại Bình Liêu, chúng tôi đến tham quan những ngon thác hùng vĩ như thác Khe Vằn, Khe Tiền, bãi Đá thần ở Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm và thưởng thức các món ăn độc đáo như phở xào, xôi bảy màu, gà bản nướng, miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, canh rau rừng.

Chia sẻ với chúng tôi, một người dân bản địa cho biết, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch Bình Liêu.

Kể từ năm 2015 đến nay, Bình Liêu đã xây dựng được 3 tuyến, 7 điểm tham quan du lịch và được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận.

Cụ thể, tuyến 1 từ thị trấn Bình Liêu – xã Húc Động – xã Đồng Văn – Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến 2 từ trung tâm thị trấn Bình Liêu – xã Lục Hồn – cửa khẩu Hoành Mô – xã Đồng Văn; tuyến 3 từ thị trấn Bình Liêu – đường tuần tra biên giới – cửa khẩu Hoành Mô.

Bảy điểm du lịch trên địa bàn huyện, bao gồm: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, đình Lục Nà, chợ trung tâm huyện Bình Liêu, chợ Đồng Văn và Cột mốc số 1317, cửa khẩu Hoành Mô.

Huyện biên giới cũng đã quy hoạch được những nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề. Nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa; các ngày lễ hội như lễ hội đình Lục Nà; hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thanh Phán; hội hát Soóng cọ (dân tộc Sán Chỉ)…

Đồng bào Sán Chỉ tham gia hoạt động lễ hội. (Ảnh: Công Thành)

Bản sắc văn hóa độc đáo
Không chỉ sở hữu cảnh quan miền biên cương đặc sắc, Bình Liêu còn là địa phương được ken dày bằng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bình Liêu là huyện đa dân tộc (trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 5 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%). Mỗi dân tộc đều có những yếu tố văn hóa riêng, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng.

Các dân tộc trên địa bàn đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, được bảo tồn và phát huy như: nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà hay hội hát Sán cố của người Dao. Đây là tài sản vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các di tích danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn.

Ngoài ra, Bình Liêu cũng sở hữu những giá trị văn hóa phi vật thể riêng, nổi bật là các lễ hội như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Kiêng gió, Hội hát Tháng ba… Trong lễ hội có các trò diễn dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh quay và không thể thiếu các làn điệu then, soóng cọ, sán cố…

Đến thời điểm hiện tại, những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu được gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Đây có thể coi là tài nguyên quý giá để miền biên giới này tiếp đà phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá.

Tin tưởng rằng, nếu khai thác đúng cách, Bình Liêu có thể tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đưa vùng đất này trở thành điểm đến của những giá trị văn hóa khác biệt.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây