Vi khuẩn trong phân chuột túi có thể làm giảm phát thải khí mê-tan từ bò

STNN – Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington, Hoa Kỳ đã sử dụng vi khuẩn nuôi cấy từ phân chuột túi con để ức chế sản sinh khí mê-tan trong dạ dày bò mô phỏng. Đây là giải pháp triển vọng cho vấn đề môi trường nan giải do khí mê-tan mà bò thải ra. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Biocatalysis and Agricultural Biotechnology.

Dạ dày bò mô phỏng sản sinh axit axetic thay vì khí mê-tan sau khi các nhà nghiên cứu đưa vi khuẩn nuôi cấy từ phân chuột túi con và chất thông dụng ức chế khí mê-tan vào. Không giống như khí mê-tan do gia súc thải ra khi bị đầy hơi, axit axetic có lợi cho bò phát triển cơ bắp.

Birgitte Ahring, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng: “Mê-tan thải ra từ bò là nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, mọi người lại thích ăn thịt đỏ. Vì thế, chúng ta phải tìm cách giảm thiểu vấn đề này”.

Mê-tan gây phát thải khí nhà kính lớn thứ hai và có khả năng làm nóng bầu khí quyển mạnh hơn khoảng 30 lần so với cacbon dioxit. Hơn một nửa lượng khí mê-tan thải vào khí quyển được cho là bắt nguồn từ ngành nông nghiệp, trong đó, nguồn thải lớn nhất là từ động vật nhai lại như gia súc và dê. Hơn nữa, quá trình sản sinh khí mê-tan tiêu tốn 10% năng lượng của động vật.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã cố gắng thay đổi chế độ ăn của bò cũng như sử dụng các chất ức chế hóa học để ngăn chặn sản sinh khí mê-tan, nhưng không hiệu quả do tình trạng kháng thuốc hóa học. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nỗ lực phát triển vắc-xin, nhưng hệ vi sinh của bò phụ thuộc chế độ ăn và có quá nhiều loại vi khuẩn sản sinh khí mê-tan trên toàn thế giới. Các biện pháp can thiệp cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quá trình sinh học của động vật.

Trong nghiên cứu, sau khi khử vi khuẩn sản sinh khí mê-tan trong lò phản ứng bằng hóa chất chuyên dụng, vi khuẩn sản sinh axit axetic có thể thay thế vi khuẩn tạo ra khí mê-tan trong vài tháng với tốc độ sinh trưởng tương tự. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống mới trong dạ cỏ mô phỏng và hy vọng trong tương lai sẽ thử nghiệm trên bò thật.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2023/02/230214154008.htm, 14/2/2023

Nguồn: https://vista.gov.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây